SÂU HẠI TRÊN CÂY DÂU
(Để biết thêm thông tin, liên hệ Ths. Phạm Tuấn Nho. Tel. 0987779217)
1. Sâu cuốn lá:
Trong 1 năm sâu cuốn lá dâu hình thành 7-8 lứa, tuy nhiên đặc biện chú ý các lứa vào tháng 4-5 và tháng 7- 8 hàng năm trong điều kiện thời tiết khô hạn, đây là những tháng sâu cuốn lá thường gây thành dịch và phá hại nặng cho các vùng sản xuất dâu tằm
Hình thái và tập tính gây hại:
Sâu trưởng thành nhỏ, dài khoảng 10mm mầu xám, có lớp lông trắng. Cánh ở mép trước có một số vân màu nâu, chính giữa cánh có một số vân màu vàng, phía dưới cánh có một lỗ hình tròn. Cánh sau có mầu trắng sữa.
Sâu non lúc mới nở toàn thân có lớp lông, thân có mầu vàng nhạt. Qua 4 lần lột xác thì đẫy sức. Lúc này thân sâu có mầu vàng, chiều dài của sâu khoảng 24mm, các đốt bụng có 4 – 6 điểm đen.
Vào những tháng cuối năm khi nhiệt độ xuống thấp dưới 20 OC khi sâu non đã đẫy sức, nó tìm các kẽ hở ở cây dâu kẽ đất…. kết kén để qua đông.
Vệ sinh đồng dâu vào vụ đông sau khi đốn đông thu dọn tất cả các tàn dư trên đồng ruộng đem đốt, cày lật đất, cuốc đất xung quanh gốc dâu, phơi gốc dâu 5 – 7 ngày để diệt các loại trứng, ấu trùng qua đông dưới gốc dâu.
Nếu sâu mới xuất hiện với số lượng ít, dùng lao động thủ công ngắt các lá có sâu đem tiêu hủy.
Khi điều tra thấy mật độ sâu hại trên đồng ruộng cao khoảng (10-15 con/m2) thì sử dụng thuốc Dylan 0,2EC; pha 5ml/ bình 10 lít nước, phun ướt đều cả mặt trên và mặt dưới lá). Lượng phun 15-18lít/1sào Bắc bộ (360m2).
Chú ý:
– Phải tiến hành phun đồng loạt thì hiệu quả mới cao
– Nên chọn thời điểm phun khi sâu còn nhỏ là hiệu quả nhất, vì lúc này sâu non chưa cuộn lá lại nên khả năng tiếp xúc của thuốc là tốt nhất.
– Nên phun vào lúc trời mát, nếu phun xong gặp mưa thì phải phun lại
– Sau khi phun thuốc 10 ngày thì mới hái lá dâu cho tằm ăn.
2. Sâu đo
Tập tính gây hại:
Sâu non lúc mới nở sống tập trung ở dưới mặt lá. Sâu non ăn biểu bì mặt dưới và nhu mô lá non, mầm dâu. Sâu tuổi lớn ăn lá và mầm non, sâu ăn cả ngày lẫn đêm. Sâu thường bám vào cây với tư thế hai chân sau bám vào cành lá dâu, đầu ngẩng lên giống như một cành khô nhỏ. Từ tháng 10 đến tháng 11, khi nhiệt độ giảm xuống dưới 150C, sâu đo ẩn ở kẽ cây, bất động. Nếu nhiệt độ ấm lên sâu lại bò ra hoạt động. Khi đẫy sức, sâu chui vào kẽ đất hoặc kẽ hở của cành cây, rồi nhà tơ cuộn lá lại kết kén hóa nhộng. Nhộng trải qua 13 – 18 ngày vũ hóa. Trong một năm, sâu vũ hóa 4 lần. Sau khi vũ hóa lần thứ 4 sâu non qua đông ở kẽ cây hoặc cỏ rác ở ruộng dâu. Sâu non chỉ lột xác hai lần. Con truởng thành thường đẻ 600 – 1000 quả trứng ở mặt sau của lá. Trứng trải qua 5 – 7 ngày nở thành sâu non. Khi cây dâu bị hại nặng thường thấy trên cây chỉ còn lại vỏ của mầm và mầm không nảy được, ảnh hưởng rất lớn đến thức ăn cho tằm.
– Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư để hạn chế nơi sâu qua đông.
– Nếu sâu mới xuất hiện với số lượng ít, dùng lao động thủ công bắt sâu đem tiêu hủy.
– Dùng biện pháp hóa học. Nếu sâu đã phát triển mật độ lớn ( 10-15 con/m2) dùng thuốc Abafaxt 3,6EC. Pha 20ml thuốc với 10 lít nước khuấy đều, phun đều cả mặt trên và dưới của lá. Liều lượng phun: 20-25 lít dung dịch thuốc/1 sào Bắc bộ (360m2). Thời gian cách ly: sau phun 12- 15 ngày có thể hái lá cho tằm ăn.
Chú ý: Phải tiến hành phun đồng loạt thì hiệu quả mới cao, chọn thời điểm phun khi sâu còn nhỏ
3. Sâu róm
Tập tính và tác hại:
Sâu róm xuất hiện hầu hết ở các tháng trong năm, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tháng 8 – 12. Sâu non qua 5 lần lột xác rồi hóa nhộng. Sâu non sau khi nở có tập tính sống tập trung ở mặt dưới lá và ăn thịt lá, đến tuổi 4 thì sâu phân tán đi phá hại các cây khác. Sâu non ăn lá non và mầm dâu. Sâu nhỏ chỉ ăn phần thịt lá. Sâu lớn ăn cả lá, chỉ chừa lại gân. Phương thức dịch chuyển của sâu là nhả tơ rũ xuống, nhờ gió để dịch chuyển sang cây khác. Ở mùa xuân, khi nhiệt độ trên 150C, cây dâu bắt đầu nảy mầm thì sâu non bắt đầu hoạt động phá hoại mầm dâu, làm cho dâu không nảy mầm được. Cây dâu bị hại nặng thì toàn thân trơ trụi.
Biện pháp phòng trừ:
Vệ sinh đồng dâu vào vụ đông sau khi đốn đông, thu dọn tất cả các tàn dư trên đồng ruộng đem tiêu hủy.
Nếu sâu mới xuất hiện với số lượng ít, dùng lao động thủ công ngắt các lá có sâu đem đốt, chôn.
Khi điều tra thấy mật độ sâu hại trên đồng ruộng cao khoảng (10-15 con/m2) thì sử dụng thuốc Dylan 0,2EC; pha 5ml/ bình 10 lít nước, phun ướt đều cả mặt trên và mặt dưới lá). Lượng phun 15-18lít/1sào Bắc bộ (360m2)
Chú ý:
– Phải tiến hành phun đồng loạt thì hiệu quả mới cao
– Nên chọn thời điểm phun khi sâu còn nhỏ là hiệu quả nhất
– Nên phun vào lúc trời mát, nếu phun xong gặp mưa thì phải phun lại
– Sau khi phun thuốc 10 ngày thì mới hái lá dâu cho tằm ăn.
4. Sâu khoang
Tập tính và tác hại:
Sâu Khoang là loài ăn tạp phá hại nhiều loại cây trồng và có mặt quanh năm trên đồng ruộng. Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nấp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm. Sâu vừa nở ăn gặm vỏ trứng và sống tập trung, nếu bị động sâu bò phân tán hoặc nhả tơ buông mình xuống đất. Sâu tuổi 1-2 chỉ ăn gặm phần diệp lục của lá và chừa lại lớp biểu bì trắng, từ tuổi 3 trở đi sâu ăn phá mạnh cắn thủng lá và gân lá. Ở tuổi lớn khi thiếu thức ăn, sâu còn tập quán ăn thịt lẫn nhau và không những ăn phá lá cây mà còn ăn trụi cả thân, cành. Khi làm nhộng, sâu chui xuống đất làm thành một khoang và nằm yên trong đó hoá nhộng.
Sâu thường phá hại nặng ở những ruộng dâu mới đốn sát gốc.
Biện pháp phòng trừ:
Thường xuyên vệ sinh đồng dâu. Vào vụ đông sau khi đốn đông thu dọn tất cả các tàn dư trên đồng ruộng đem tiêu hủy, cày lật đất, cuốc đất xung quanh gốc dâu, phơi gốc dâu 5 – 7 ngày để diệt nhộng.
Khi điều tra thấy mật độ sâu hại trên đồng ruộng cao khoảng (10-15 con/m2) thì sử dụng thuốc Success 25SC, nồng độ 0,2. Pha 20ml thuốc với 10 lít nước khuấy đều, phun đều cả mặt trên và dưới của lá. Liều lượng phun: 18-20 lít dung dịch thuốc/1 sào Bắc bộ (360m2). Thời gian cách ly: sau phun 12 -15 ngày có thể hái lá cho tằm ăn.
Chú ý : phun thuốc khi sâu còn nhỏ và phun vào buổi chiều tối là hiệu quả nhất.
Biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại dâu
Như chúng ta đã biết, con tằm cũng là một loại sâu ăn lá. Hầu hết các loại thuốc trừ sâu bệnh đều độc hại với tằm. Vì thế trong nghề trồng dâu nuôi tằm cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh. Để hạn chế mức độ gây hại của sâu bệnh cần tiến hành tốt các biện pháp kỹ thuật sau:
– Chọn giống chống chịu sâu bệnh
– Không sử dụng hom giống có bệnh để trồng
– Chăm sóc cây dâu đúng quy trình kỹ thuật
– Bón phân đủ lượng, bón NPK cân đối
– Thu hoạch kịp thời đúng lứa
– Đốn dâu đúng thời vụ
– Làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu huỷ triệt để tàn dư gây bệnh.
– Phát hiện kịp thời khi có sâu, bệnh và có những biện pháp chống, trị thích hợp.
– Sử dụng thuốc BVTV phải đúng, phù hợp cho từng loại sâu bệnh. Khi mật độ sâu chưa cao thì không nên sử dụng thuốc BVTV để không ảnh hưởng đến thiên địch.
Chú ý: Sử dụng thuốc BVTV phải bảo đảm đúng thời gian cách ly 12 – 15 ngày sau khi phun thuốc mới hái lá cho tằm ăn.