Giống dâu lai F1 trồng bằng hạt VH15
– Tác giả và cơ quan tác giả: Giống dâu lai F1-VH15 do KS. Vũ Văn Ban, PGS.TS Hà Văn Phúc, KS. Tống Thị Sen, KS. Nguyễn Văn Thực và CS Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương nghiên cứu, chọn tạo.
– Nguồn gốc và phương pháp: Giống dâu VH15 là giống dâu lai tam bội thể (3n), được tạo ra do lai hữu tính giữa giống dâu K10 (2n) và giống dâu ĐB86 (4n). Giống đã được công nhận cho sản xuất thử ở vùng núi phía Bắc theo Quyết định số 466- QĐ/TT-CCN ngày 26/11/2009.
2. Đặc điểm chính của giống
Dâu lai F1-VH15 nhân giống bằng phương pháp hữu tính (trồng bằng hạt). Chiều cao cây trung bình 2,6m, thân màu xanh nhạt, sinh trưởng khỏe, cành nhiều, tán tương đối gọn, lá to, dày mầu xanh đậm, khả năng giữ nước tốt, tươi lâu. Năng suất lá ổn định, trong điều kiện thâm canh ở vùng sinh thái miền núi phía Bắc đạt 25-30 tấn/ha, cho nhiều lá vào vụ xuân. Chất lượng lá tốt, lá dày, hàm lượng protein trong lá đạt 22-25%, thích hợp cho nuôi tằm con và tằm lớn. Khả năng chống chịu với bệnh bạc thau, rỉ sắt, vi khuấn khá hơn các giống địa phương và các giống nhập nội của Trung Quốc. Khả năng chống chịu tốt với điều kiện khô hạn và sương muối.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
VH15 thích nghi với đất vùng đất đồi, đất bãi ven sông các tỉnh miền núi phía Bắc, có thể trồng quanh năm, tốt nhất từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mật độ trồng thích hợp 5-6 vạn cây/ha, Khoảng cách trồng hàng cách hàng 1,2-1,5 m, cây cách cây 0,2 đến 0,3 m. Phân hữu cơ bón 20-25 tấn/ha. Phân NPK Văn Điển 16,5-7-7,5 bón 2000-2500 kg/ha/năm.
4. Địa chỉ áp dụng:
Giống dâu lai F1-VH15 đã được trồng ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ và Hòa Bình với diện tích 50 ha.
Giống dâu lai F1-VH15 | Dâu lai VH15 trồng tai Mộc Châu. |