Giống dâu tam bội thể số 28
1. Nguồn gốc
– Tác giả và cơ quan tác giả: KS. Bùi Khắc Vư, nghiên cứu viên chính và nhóm kỹ sư cộng sự đồng tác giả Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Dân, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương.
– Nguồn gốc và phương pháp: Giống dâu 28 là giống lai F1 tam bội thể (3n), được tạo ra do lai giữa giống dâu Đa Liễu (2n) và C71A (4n). Giống được chọn lọc kỹ có hệ thống theo các bước từ chọn lọc cá thể, nhân theo dòng, so sánh sơ bô ,chính thức khu vực hóa các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam trên nhiều loại đất và vùng khí hậu. Giống đã được công nhận là giống chính thức Quốc gia và cho phép phổ biến trong sản xuất theo Quyết định số 1208 NN-KHCN/QĐ ngày 16/7/1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2. Những đặc điểm chính của giống
– Giống tam bội số 28 là giống không có quả, hoặc có ít nhưng không hạt. Nhân giống vô tính bằng cành dễ dàng có tỷ lệ sống cao, kiểu hình phát triển đồng đều. Năng suất lá bình thường đạt 26-28 tấn/ha, thâm canh ở vùng đồng bằng đất tốt ven sông đạt 35-40 tấn và 18-20 tấn ở vùng cao. Thân cành gọn có khả năng trồng dầy để nâng cao năng suất. Tư thế lá xiên đứng hấp thụ nhiều ánh sáng, lá thuôn dài và to, cuống lá cứng đáy lá bằng, dễ hái, chất lượng lá tốt, protein trong lá 19,7% (hơn Hà Bắc đối chứng 27,3%), hàm lượng nước trong lá thích hợp nuôi tằm các tuổi, tỷ lệ thành đạt cao. Khả năng kháng bệnh do nấm, vi khuẩn, virus và chịu hạn tốt.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
– Đất trồng: Thích nghi với các loại đất cao, thoát nước tốt ở các tỉnh phía Bắc và miền trung.
– Thời vụ trồng thích hợp: từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, có thể trồng hè sau khi dâu đốn hè vào cuối tháng 4 đầu tháng 5
– Mật độ trồng: vùng đồng bằng trồng dâu đốn hàng năm trồng hàng cách hàng 1-1,1m, khóm cách khóm 0,25m, mỗi khóm 2 hom, chọn cành thành thục không quá to và quá nhỏ, đường kính trung bình 1cm để làm giống, chặt hom dài 15-17 cm có 2-3 mắt trồng cắm nghiêng hở 1 mắt trên mặt đất,
– Phân bón: Năm đầu bón lót 15-20 tấn phân hữu cơ cho 1 ha, sau đó bón thúc. Từ năm thứ 2 trở đi bón 20-25 tấn phân hữu cơ, phân vô cơ NPK theo tỷ lệ 2:1:1 trung bình 200-300N nguyên chất tương ứng với 340-500kg urê 46%, và tương ứng với 500-750kg lân có tỷ lệ P2O5là 20% và kcl 25% tương ứng với 400-600kg hoặc loại phân chuyên dùng cho cây dâu từ 2000-2500kg bón chia làm 4 lần vào các tháng 1 bón lót; bón thúc vào tháng 4, 6 và 9. Bón ngay sau lứa thu hoạch lá. Bón vào hai bên rãnh dâu sau đó lấp đất.
– Đốn tỉa: Thường đốn dâu sát đất hay còn gọi đốn đau vào tháng 12. Nếu cần điều chỉnh dâu cho lá nhiều vào vụ xuân, thu, thì vườn dâu để lưu đông, thu hoạch 1-2 lứa vụ xuân rồi đốn sát. Thời gian đốn muộn nhất là cuối tháng 4, đầu tháng 5. Dâu để qua đông thường phớt ngọn, tỉa cành, bỏ hết lá già còn sót lại trên cây, dọn vệ sinh đồng ruộng kết hợp bón lót qua đông.
– Phòng trừ sâu bệnh: Hái lá kịp thời, vệ sinh đồng ruộng; Không để dâu bị úng nước, bệnh rỉ sắt phát sinh. Nếu phát hiện bệnh virus thối rễ, cần cô lập đào bỏ tránh lây lan; Khi phát hiện bệnh do nấm dùng Kasuran, Anvil, Validaxin nồng độ 0,2-0,3%; Với các loại sâu ăn lá dùng Dip 80SP pha nồng độ 0,2-0,3% sau phun 10-15 ngày mới hái lá cho tằm ăn..
Dâu 28 trồng vùng đồi Phú Thọ