Câu hỏi 18: Lợi ích của việc nuôi tằm con tập trung. Hãy trình bày phương pháp nuôi tằm con tập trung
Trả lời: Như trên đã trình bày, nuôi tằm con tốt đúng kỹ thuật sẽ quyết định đến 70% kết quả lứa tằm. Nhưng việc nuôi tằm con đúng kỹ thuật là một việc nan giải cần phải có các điều kiện sau:
– Có phòng nuôi tằm con có thể điều tiết nhiệt, ẩm độ phù hợp với yêu cầu của tằm con.
– Có ruộng dâu dành riêng cho tằm con bảo đảm số lượng và chất lượng.
– Có người chuyên trách lo khâu tằm con từ khi ấp trứng đến khi tằm ngủ 3. Người chuyên trách phải có tay nghề cao, cẩn thận tỷ mỉ.
– Có đầy đủ dụng cụ để phục vụ cho tằm con
Các điều kiện trên, người nuôi tằm riêng lẻ khó thực hiện được tốt vì vậy mô hình nuôi tằm con tập trung ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu trên, do đó nuôi tằm con tập trung đến hết tuổi 3 phát cho các hộ có những lợi ích sau:
+ Người nuôi tằm con tập trung bảo đảm kỹ thuật môi trường sạch bệnh, nên người nuôi tằm lớn chỉ cần đảm bảo kỹ thuật tối thiểu cũng có thể chắc ăn lứa tằm mình nuôi.
+ Tạo được môi trường sạch bệnh: Do chỉ nhận tằm lớn sau 15 ngày đã thu hoạch, nên người nuôi tằm không phải nuôi gối nhiều loại tằm cùng một lúc, do vậy họ có đủ thời gian xử lý phòng nuôi tằm sạch bệnh.
+ Do có người chuyên trách nên thời gian nuôi một lứa tằm được rút ngắn, tiết kiệm được lá dâu.
+ Do tằm con nuôi bảo đảm kỹ thuật, nên tằm lớn sinh trưởng phát dục tốt, đồng đều chất lượng tơ kén được nâng cao. Thực tế ở các nước áp dụng mô hình trên đã lâu như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Ở Việt Nam một số nơi như Lâm Đồng, Thái Bình, Vĩnh Phúc đang ứng dụng mô hình này đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như các hộ nhận tằm con về nuôi đạt năng suất cao, chất lượng tơ kén tốt và có thu nhập cao hơn so với nuôi theo hình thức cũ.
– Các phương pháp nuôi tằm con tập trung.
a) Nuôi tằm con tập trung đậy giấy Polyetylen (nilon mỏng) hoặc giấy Carasp tráng Farapin (giấy nến).
+ Tác dụng: Lá dâu tươi lâu tằm được ăn no, giảm số lần cho ăn, thời gian phát dục nhanh.
+ Kỹ thuật nuôi: Băng tằm trên tờ giấy báo, đặt khung tre hoặc gỗ xung quanh mô tằm, đậy giấy, gấp chặt 4 mép xuống cho kín.
* Trước khi cho ăn mở giấy Polyetylen ra 30 phút rồi cho ăn.
* Khi tằm ngủ không dậy
* Cho ăn 4 lần 1 ngày đêm. Số lượng dâu mỗi lần cho ăn nhiều hơn nuôi bình thường.
* Tằm tuổi 3 không cần lót tờ báo dưới nong. Nếu gặp trời có ẩm độ cao, hoặc trong mùa dịch bệnh vôi, hàng ngày rắc thuốc phòng trừ bệnh vôi 1 lần (Papzol B hoặc Potal B loại tằm con).
b) Nuôi tằm con tập trung trong khay gỗ không nắp. Đóng các khay gỗ hình chữ nhật có chiều cao 15cm, chiều dài và chiều rộng tùy ý (thường 1m x 1,2m). Băng tằm con vào trong khay, chồng 4-5 khay lên nhau, khay trên cùng đậy giấy Polyetylen. Kỹ thuật nuôi giống với nuôi nong có đậy giấy Polyetylen.
Ngoài ra ta có thể nuôi tằm con tập trung bình thường, cách nuôi này tốn công và lá dâu, thời gian phát dục kéo dài. Nếu phải nuôi bằng cách này một ngày đêm phải cho ăn 7-8 bữa.