Câu hỏi 26: Nguyên nhân, triệu chứng, tác hại và cách phòng trừ bệnh tằm gai ? tại sao hiện nay bệnh gai ít ? nếu bị bệnh gai phải xử lý thế nào?
Trả lời:
– Nguyên nhân: Bệnh tằm gai do nguyên sinh động vật Nosema bombycis Naegelio gây ra. Bệnh gai lan truyền do con ngài bị bệnh gai truyền qua trứng giống và do môi trường có nhiễm bệnh gai.
– Triệu chứng: Đặc trưng của bệnh gai ở giai đoạn tằm là phát dục không đều, con to, con nhỏ, tằm ít ăn phát triển chậm, có vẻ lờ đờ. Con tằm bị bệnh gai thường ngủ muộn, khó lột xác sau khi ngủ, hoặc chỉ lột xác được một phần tằm bị nhiễm bệnh từ trứng sẽ chết trong giai đoạn tằm con. Tằm bị nhiễm bệnh trong giai đoạn nuôi sẽ bị chết muộn hơn. Tằm lớn bị bệnh gai đôi khi xuất hiện chấm đen như hạt tiêu không đều trên da tằm.
– Tác hại: Bệnh gai lây lan nhanh, tằm đã bị bệnh phải huỷ bỏ lứa tằm dẫn đến thất thu nghiêm trọng. Khi đã thành dịch bệnh gai sẽ gây hậu quả rất lớn đến nghề trồng dâu nuôi tằm.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Nuôi trứng giống không có bệnh gai.
+ Xử lý trứng tằm bằng dung dịch Foocmol 2% trong 20 phút rồi sau đó mới cho vào ấp trứng.
+ Xử lý môi trường nuôi sạch bệnh bằng các loại thuốc đang dùng như clorua vôi 2-5%, dung dịch Foocmol từ 3-4% để tiêu độc nhà cửa và dụng cụ nuôi tằm trước khi nuôi tằm.
– Trong mấy năm gần đây bệnh gai ít phát sinh do các yếu tố sau:
+ Trứng giống tằm nhập nội và sản xuất trong nước được sạch bệnh gai.
+ Người nuôi tằm đã có ý thức xử lý tiêu độc phòng nuôi tằm và dụng cụ nuôi tương đối tốt.
– Nếu bệnh gai xuất hiện phải:
+ Huỷ bỏ lứa tằm đó bằng cách: Đào hố sâu chôn tằm, lá dâu, phân tằm và phun dung dịch Foocmol 4-5% rồi lấp đất kín lại.
+ Nhà cửa, dụng cụ, hành lang đi lại phải xử lý dung dịch clorua vôi 3-5% hoặc Foocmol 4-5%. Sau đó mới tiếp tục nuôi.
+ Tuyệt đối không sử dụng phân tằm để bón cho ruộng dâu hoặc các loại cây khác gần nhà tằm và ruộng dâu.