Con tằm, vì sao chăn mà không nuôi?
Theo Lao Động – 29/03/2009
(LĐCT) – Ca dao tục ngữ Việt Nam thuộc dòng văn chương bình dân (theo cách gọi của giáo sư Dương Quảng Hàm).
Các nhà văn hoá thường ví giá trị dòng văn chương này như những viên ngọc quý, không chỉ vì đó là một kho tài liệu quý giá về tính tình, phong tục của dân tộc, mà còn do cách chơi chữ, dùng từ, chính xác, minh bạch, đúng theo bản chất hoạt động của chúng.
Ví dụ liên quan đến nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu: Em là con gái Phù Long/ Quê em Cồn Vịt, lấy chồng vườn Dâu/ Dù đi buôn đâu bán đâu/ Cũng về giữ đất trồng dâu chăn tằm hoặc Hay gì để ruộng mà ngăn/ Làm ruộng lấy luá, chăn tằm lấy tơ; Chẳng nên cơm cháo gì đâu/ Thôi về cuốc bãi trồng dâu chăn tằm…
Theo Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895), “chăn” là từ Nôm, có ý nghĩa là: coi giữ ; VD: kẻ chăn: kẻ coi giữ ( cho trâu bò ăn). Trong “Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Lân (2000), từ “chăn” được giải thích: Đưa gia súc đi cho ăn; chăm sóc và cho ăn; VD: Làm ruộng, cấy lúa, chăn tằm lấy tơ…
Hầu hết trên các tự điển tiếng Việt, chú giải từ chăn là coi giữ (trâu bò), bởi lẽ phân tích cấu tạo, trong chữ “chăn” có chữ “ngưu” là ý, chữ “chân” là âm (Tự điển tiếng Nôm của Võ Văn Kính, Nguyễn Quang Xỹ -1965). Tằm là loại sâu, từ giai đoạn ủ trứng cho đến trưởng thành cho tơ, toàn bộ thời gian phát triển chỉ nằm cố định tại một vị trí, trong phòng kín, vậy tại sao quá trình chăm sóc nó, trong dân gian không dùng chữ “nuôi” như nhiều con vật khác trong nhà mà lại “chăn”?
“Đại Nam Quấc âm tự vị” giải thích chữ “nuôi” (mượn từ Hán-Tự điển tiếng Nôm): Cho ăn, uống, cấp dưỡng, làm cho no ấm. “Chăn” là tiếng Việt thuần; là chữ Nôm. (Mục ngưu đồ – Tranh chăn trâu). Trong chữ Hán có mục là nuôi + người chăn nuôi súc vật). Khi Kito giáo và Tin Lành vào VN, dùng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm: Mục sư, Linh mục.
Trong tiếng Anh, Pastor (từ cổ) là người chăn súc vật, đồng thời cũng là mục sư (người chăn chiên, người chăn dắt). Nhưng trong kinh thì dùng chữ Nôm: Chăn dắt, chăn bầy là chăm sóc (tinh thần lẫn thể xác, dạy dỗ) với yêu thương và thấu hiểu trong quá trình từ khổ đau đến hạnh phúc. Vì vậy có thể hiểu “chăn” không chỉ là nuôi mà là quá trình vận động trong khi nuôi (vận động theo không gian cùng vận động theo quá trình phát triển).
Có thể nói, trong sản xuất nông nghiệp, nuôi tằm là một nghề vất vả bậc nhất “làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”. Con tằm bắt đầu ăn rỗi (tằm ăn lên), là giai đoạn vất vả nhất của người nông dân. Môi trường nuôi phải có nhiệt độ, độ ẩm nhất định; phòng nuôi tối, nhưng thoáng mát; thức ăn là lá dâu không được già quá, non quá mà rặt chỉ dùng khi còn tươi… Và đến tuổi mỗi ngày phải cho ăn đến 5,6 lần, kết hợp thay phân, san tằm…
Đó là chưa kể khí hậu nước ta thường ẩm, cần phải trở lửa làm giảm ẩm độ. Rồi thứ đến người nuôi phải nhận biết, phân biệt được rõ con ngài đực và ngài cái để ghép đôi, úp giống, cho ra đôi ngài “tốt đôi”. Ngày tháo nong, dỡ kén, bóc lớp dây nhợ cũ từ được chuốt vỏ, ngâm nước áo cho sạch trắng ủ lên mặt nong, ngày ấy, làng tằm tất bật như trảy hội. Bất kỳ một khâu nào trong quy trình bị bỏ qua, hay lơ là đều dẫn đến kết quả tằm bệnh, hư cả lứa, dẫn đến lỗ vốn.
Bởi sự chăm sóc, nuôi dưỡng con tằm quá phức tạp, kỳ khu như vậy, mà tiền nhân đã dùng từ “chăn” chứ không “nuôi” đối với nghề chăn tằm, lấy tơ. Yếu tố sử dụng từ chuẩn xác trong ca dao, tục ngữ như vậy, thể hiện dòng văn chương bình dân, dù phần lớn do ứng khẩu, truyền khẩu, nhưng không hề thiếu sự tinh tế, chuẩn mực. Tuy vậy cũng do đặc điểm truyền miệng nên ca dao, tục ngữ cũng dễ có nhiều dị bản hoặc tráo đổi từ, ngữ làm thô vụng hoá.