Tằm tang xứ Quảng
qua ca dao dân gian địa phương
NGUYỄN PHƯỚC TƯƠNG
Làng nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa hay còn gọi là nghề tằm tang xứ Quảng đã có từ lâu đời dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào thế kỷ XVI – XVII cách đây trên bốn trăm năm.
Nghề tàm tang của Đàng Trong Đại Việt trong những thế kỷ trước ở Quảng Nam dinh, một mặt thừa hưởng những kinh nghiệm truyền thống cha ông của nhân dân Đàng Ngoài di dân lập nghiệp ở phương nam, ngoài ra còn học hỏi những kiến thức trong lĩnh vực này của người Chiêm Thành và cả kỹ thuật cụ thể của người Minh Hương là người Hoa nhập vào cộng đồng người Việt, nên đã trở thành một nghề truyền thống nổi tiếng trong canh tác nông nghiệp.
Đặc biệt, dọc hai bên bờ sông Thu Bồn – Chợ Củi và sông Vu Gia chảy qua các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc … đã ra đời những làng xã những vùng trồng dâu nuôi tằm lớn, dệt lụa nổi tiếng..
Ngay từ giữa thế kỷ XVI, sách Ô Châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc và thành tập, khắc in những năm 1553, đã cho thấy phủ Điện Bàn là một vùng đất phì nhiêu và nghề tàm tang rất phát triển. Dương Văn An đã viết “Đất đai màu mỡ, được lúa chẳng cần khó nhọc … Xuân sang mở hội đua bơi, lụa là chen chúc” và “Vườn Mọc Xuyên trồng lắm hoa hồng, người Lang Châu dệt nhiều lụa trắng”.
Giáo sĩ Cristoforo Bouri đã sống ở Quảng Nam dinh trong những năm 1618 – 1622 đã tận mắt nhìn thấy vùng đất này tơ tằm được sản xuất dồi dào, không những thảo mãn nhu cầu của nội địa mà còn xuất khẩu rất nhiều ra nước ngoài, nên đã viết trong “ký sự Đàng Trong” của mình in năm 1631 rằng: “ Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Ban và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển sang Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này không nhỏ và mịn như loại tơ của Trung Quốc nhưng bền chắc”
Nhìn thấy tận mắt những cánh đồng dâu xanh mượt chạy tít đến chân trời, giáo sĩ Alexandre de Rhodes, từng đến Quảng Nam dinh trong những năm 1624 – 1627 cũng đã ghi lại trong cuốn nhật ký của mình “ Hành trình và Truyền giáo” in năm 1651 những nhận xét sau: “Ở Đàng Trong trong nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”
Những ý kiến của các giáo sĩ phương Tây nói trên cho thấy nguồn tơ tằm xứ Quảng trong những thế kỷ trước thật dồi dào và có chất lượng cao, và nghề tàm tang xứ Quảng chỉ bị suy thoái ít nhiều trong hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm kể từ năm 1946.
Ngay Lê Quý Đôn cũng đánh giá sự phát triển của nghề tằm tang xứ Quảng, của Đàng Trong trong những thế kỷ XVI – XVIII và đã viết trong sách “Phủ biên tạp lục”, khắc in năm 1776 như sau: “người phủ Thăng phủ Điện dệt được các loại the đoạn, lụa là hoa màu chẳng kém gì Quảng Đông” và “ở Quảng Nam, lụa thuế chỉ lấy ở hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn, huyện Phú Châu nộp thuế hai ngàn ba trăm năm mươi tấm… Lụa mà Đoan Quận Công (tức Chúa Tiên Nguyễn Hoàng về sau này) trước đây đã lấy cống phú thì rộng một thước, dài ba mươi thước, dày như mắm sợi”
Vào thời kỳ đó, ở Đàng Trong, ở xứ Quảng đã sản xuất nhiều mặt hàng tơ lụa khác nhau được bán ra trên thị trường: lượt là loại lụa trơn và thưa; sa là lụa mỏng và trơn; the là loại lụa nhẹ và sáng; xuyến là loại lụa dày màu sáng; nhiễu là loại lụa trơn, dày và nhuộm đen; đoạn là loại lãnh nhưng chất lượng tốt hơn; văn là loại lụa có hình hoa có chất lượng; gấm là loại lụa cao cấp; là là loại lụa dệt từ tơ nõn và có những đường sọc đều nhau theo chiều dài và nhuộm đen và trừu là loại lụa dệt từ sợi thô. Về sau dưới thời Pháp thuộc có thêm mặt hàng tuýt xô (tussor) là lụa dệt từ sợi xe mỏng hay dày để may âu phục.
Ở xứ Quảng, những vùng đất có nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa phát triển nhất là Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc và Thăng Bình. Theo số liệu thống kê, vào năm 1960 (trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ) tỉnh Quảng Nam cũng đã sản xuất được 500.000 mét lụa, lụa vân, the, nhiễu và tuýt xô.
Cho đến nay, văn nghệ dân gian vẫn còn lưu lại những dòng ca dao nói đến nghề tằm tang của những vùng đất đó.
Ở huyện Đại Lộc, dọc đôi bờ sông Vu Gia là những vườn dâu xanh tươi kéo dài thành một biển dâu xanh thăm thẳm, làm cho nghề tằm tang ở vùng đất này trở thành một bộ phận quan trọng của canh tác nông nghiệp:
Con tằm Đại lộc xe tơ,
Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông
Nào cô buôn thị bán hồng,
Đò qua Đại Lộc tằm nong thấy thèm
Và…
Nhớ quê Đại Lộc êm đềm,
Biển dâu, nà bắp tình thêm đậm đà…
Ở vùng Đại Lộc có những làng nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa lâu đời và nổi tiềng như Hà Dục (xã Đại Đồng), Phú Bò (xã Đại An), Giao Thuỷ (xã Đại Hoà), Quảng Đợi (xã Đại Cường)…
Ai về Hà Dục thì về,
Thấy nong tằm chín khó bề bỏ đi
Ở huyện Điện Bàn, ở dọc hai bên bờ sông Thu Bồn – Chợ Củi cũng là những nương dâu xanh thẳm chạy dài đến chân trời.
Cái làng nghề tàm tang Phú Bông (xã Điện Quang), La Kham (xã Điện Quang), Phú Chiêm, Chà Lai, Đông Yên, Tứ Mã (xã Điện Phương), Xuân Đài (xã Điện Quang) … của huyện Điện Bàn đã đi vào ca dao dân gian xứ Quảng:
Phú Bông dệt lụa dệt sa,
Kim Bồng1 thợ mộc, Ô Da2 thợ rừng
Hay
Quảng Nam có lụa Phú Bông,
Có khoai lang Trà Đoả3, có sông Thu Bồn
Và
Hội An bán áo con trai,
Quế Minh4 bán nón, Xuân Đài bán tơ
Làng nghề tàm tang La Kham là một vùng đất có nghề trồng giống dâu cho nhiều lá và nuôi giống tằm nhả nhiều tơ:
Ai về nhắn bạn La Khan,
Mua dâu lấy lá, ươm tằm lấy tơ
Các làng Phú Chiêm Đông, Phú Chiêm Tây, Phú Chiêm Nam, Chi Lai, Đông Yên, Tứ Mã thuộc xã Điện Phương hiện nay là những làng nghề tàm tang nổi tiếng có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng dâu nuôi tằm và đệt lụa:
Tiếng đồn ba xã Phú Chiêm
Trồng dâu có mã, ươm tằm được tơ
Và
Chợ dệt có làng Chi Lai,
Đông Yên, Tứ Mã gái trai biết điều
Còn con gái làng Bảo An (xã Điện Quang) cũng nổi tiếng thành thạo trong nghề canh cửi, dệt lụa, đan bức mành:
Khen cho con gái Bảo An
Ban ngày dệt lụa, tối đan mành mành
Đặc biệt vùng bãi lồi rộng lớn Gò Nổi nằm kẹp giữa sông Thu Bồn và một nhánh của sông Vu Gia, bao gồm cả ba xã Điện Quang, Điện Phong và Điện Trung, nhờ sự ưu ái của địa lý tự nhiên, đã trở thành một vùng trung tâm tàm tang từ lâu của huyện Điện Bàn, là nơi cung cấp một sản lượng tơ tằm hàng năm:
Ai về Gò Nổi quê ta,
Đồng xanh dâu biển, mỗi nhà đầy tơ
Và
Nương dâu xanh thắm quê mình,
Nắng lên Gò Nỗi đượm tình thiết tha
Con tằm kéo kén cho ta
Tháng ngày cần mẫn làm ra lụa đời…
Ở huyện Duy Xuyên có nhiều là cổ tàm tang như Mã Châu (nay thuộc xã Duy An) chuyên nghề dệt lụa trắng, làng Chiêm Sơn (quê hương của Bà Chúa tàm tang Đoàn Quý Phi, nay thuộc xã Duy Trinh), ngũ xã Trà Kiệu (Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Trung và Trà Kiệu Thượng nay thuộc hai xã Duy Trung và Duy Sơn). Vì vậy mà trong ca dao giân gian xứ Quảng còn lưu lại những dòng sau:
Chiêm Sơn là lụa mỹ miều
Sớm mai mắc cửi, chiều chiều tơ giăng
Hay
Lụa tơ Trà Kiệu, Mã Châu
Đã từng có tiếng dài lâu chắc bền
Và
Hội An bán gấm bán điều
Mã Châu dệt lụa, Trà Nhiêu bán hành
Và
Đất Mã Châu trồng một hàng dâu,
Tỉa hai hàng bắp, dặm sáu hàng bông
Ở huyện Thăng Bình (thuộc phủ Thăng Hoa ) cũ cũng có nhiều hàng tàm tang cổ mà nổi tiếngnhất là làng Hà Lam (nay thuộc thị trấn Hà Lam)
Hà Lam đường mía cũng nhiều
Mùi thơm phảng phất gió chiều bay xa
Nơi đây bắp rẫy, dâu nà
Ươm tơ dệt lụa cũng là từ lâu
Ở xứ Quảng trước đây, nghề trồng dâu nuối tằm dệt lụa như một nghề chính trong sản xuất nông nghiệp, có mặt ở hầu hết mọi địa phương, nhất là ở đôi bờ các con sông lớn nhỏ trong tỉnh
Ở bên ni sông kêu với bên tê sông
Tằm con mất mủng, bạn hái dâu xanh đầy nong bạn về
Và
Tằm nhà chục mủng ăn ba,
Dâu gần bạn không hái, bạn hái dâu xa cho tốn tiền!
Một vấn đề mà chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là văn học dân gian xứ Quảng đã sử dụng các hình ảnh tằm – tơ, dâu – tằm…như những biểu tượng về tình yêu lứa đôi năm nữ.
Đôi ta như thể con tằm
Cùng ăn một lá cùng nằm một nong
Và
Đã mang lấy cái thân tằm,
Không vương tơ cũng nằm với tơ
Đêm nằm tơ tưởng, tưởng tơ
Chiêm bao thấy bậu, dậy sờ chiếu không
Và
Tơ tằm đã vấn thì vương
Đã trót dan díu thì thương nhau cùng
Phải chăng nghề tàm tang qua hàng ngàn năm gắn chặt với đời sống của người dân Việt Nam vì vậy mà nó đã gắn liền mật thiết với sự biểu thị về quan hệ luyến ái nam nữ và tình yêu lứa đôi?
Giả đò mang giỏ hái dâu
Ghé vô thăm bậu nhức đầu bớt chưa
Và
Chiều chiều mang giỏ hái dâu
Hái dâu không hái, hái câu ân tình
Và
Một nong tằm là năm nong kén
Một nong kén là chín nén tơ,
Thương em chín đợi mời chơ…
Những đôi trai gái thương yêu nhau, ước mong sao cho tình yêu của họ bền chặt qua mọi gian truân của cuộc đời và mãi mãi thắm đượm như tấm lụa điều đỏ thắm thuở ban đầu:
Tấm lụa điều mưa mai không lợt
Nắng chiều không phai lợt gắt gay.
NGUYỄN PHƯỚC TƯƠNG