Câu hỏi 12: Như thế nào gọi là tằm ngủ, tằm dậy ? Cần phải xử lý tằm ngủ, tằm dậy như thế nào để tằm phát dục đồng đều?
Trả lời: Tằm dâu thường có 5 tuổi và 4 lần ngủ để lột xác. Cấu tạo của da tằm được bao bọc bằng 1 lớp vỏ ki tin. Khi tằmm ăn, cơ thể tằm lớn lên đến 1 giai đoạn nào đó lớp ki tin không thể giãn nở được nữa nên theo qui luật chúng phải nằm yên cố định thân và qua quá trình biến đổi trong cơ thể chúng thay da mới. Quá trình nằm yên đó gọi là tằm ngủ.
– Xử lý nằm ngủ:
+ Tằm ướm ngủ:
Khi tằm ướm ngủ, tằm ăn có phần yếu hơn. Thân tằm trở nên mập, bóng, ít hoạt động. Ta phải đặt lưới thay phân kịp thời. Sau đó cho ăn thêm 2 bữa dâu ngon và mỏng tằm sẽ ngủ. Chú ý khi thay phân phải san tằm thật thưa để tằm ngủ được khô ráo, thoáng mát.
Nếu đặt lưới thay phân quá muộn, có một số đã ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự lột xác của tằm, làm cho tằm dễ bị bệnh, nhưng đặt lưới thay phân quá sớm phải cho ăn thêm 3-4 bữa nữa tằm mới ngủ thì lớp dâu sẽ quá dày tằm dễ bị bệnh. Không được để tằm ngủ chìm sâu dưới lớp dâu. Gặp trường hợp tằm ngủ không đều ta dặt lưới rắc dâu cho tằm chưa ngủ bò lên dâu, nhấc sang nong khác cho tiếp tục ăn dâu ngon thúc cho tằm ngủ nhanh.
+ Tằm đang ngủ: Phải để tằm yên lặng, giảm nhiệt độ trong phòng xuống 10C và ẩm độ thấp xuống 5% so với chưa ngủ. Khi sắp dậy ta tăng nhiệt độ và ẩm độ lên như ở giai đoạn tằm thức.
– Xử lý tằm dậy:
Sau khi tằm lột xác da tằm nhăn nheo đầu và thân trắng. Sau khi lột xác được 3-4 giờ đầu tằm chuyển màu nâu cho ăn là vừa.
Trước khi cho tằm dậy ăn phải xử lý sát trùng mình tằm bằng Papzol B hay Potal B, 30 phút sau cho tằm ăn. Tằm ăn được hai bữa phải thay phân san tằm cho sạch sẽ thoáng mát. Tằm dậy đều 90-95% sẽ cho ăn. Nếu cho ăn quá sớm (tằm dậy còn non) hoặc quá muộn (tằm bị đói) đều ảnh hưởng đến sức sống của tằm.