Câu hỏi 2: Ở nước ta, trồng phổ biến những giống dâu nào? Đặc điểm chính của các giống dâu đó?
Trả lời: Ở nước ta hiện nay có khoảng 200 giống dâu, bao gồm dâu địa phương, giống mới lai tạo trong nước và dâu nhập nội, nhưng qua chọn lọc hiện nay phổ biến trồng các giống dâu sau:
1. Hà Bắc: (Còn gọi Bồng bồng, dâu Lạng, bầu trắng Thái Bình,dâu Gỗ): được trồng nhiều ở đất bãi các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tây, Thái Bình, Vĩnh Phúc…
Thân cây cao to, vỏ cây hơi trắng, lá to thuôn, không sẻ thuỳ, phẩm chất lá tốt. Dâu để lưu vụ đông cho nhiều lá vào vụ xuân. Yêu cầu phân bón lớn, hái lá kịp thời – năng suất lá cao, đạt 15-20 tấn/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 25-30 tấn/ha.
Nhân giống bằng hom tỷ lệ sống thấp.
Thích ứng với nhiều vùng sinh thái khác nhau trong nước.
2. Bầu trắng: Trồng phổ biến ở Hà Tây, Thái Bình, Vĩnh Phúc… vỏ cây màu trắng xanh, lá có xẻ thuỳ, mặt lá ít nháp, lá to trung bình, phẩm chất tốt. Lá có nhiều nhựa, dễ hái, thích hợp nuôi tằm con.
Vụ xuân nảy mầm chậm hơn giống Hà Bắc, vụ thu nảy nhiều mầm lộc, thích hợp với gum dâu vụ thu, năng suất lá khá, 15-20 tấn/ha.
Nhân giống bằng hom tỷ lệ sống cao. Thích hợp đất cát pha, thịt nhẹ, chịu ẩm.
3. Đa Liễu: Trồng nhiều ở đất cát ven biển Thái Bình, Nam Định. Thân cao trung bình, cành mọc ngàng, rũ không gọn, lá thưa, cuốg lá dài, lá dày, nhẵn, có màu xanh đậm, sau khi hái lá lâu héo, năng suất lá đạt 15-20tấn/ha.
Chống chịu tốt với bệnh bạc thau, virus.
Giống dâu Đa Liễu chịu mặn và chịu đốn. Để dâu lưu ra nhiều quả nên không phù hợp với hình thức lưu đông.
Nhân giống bằng hom, tỷ lệ sống thấp.
4. Dâu ngái: Trồng nhiều ở Hà Tây, Hoà Bình, Vĩnh Phúc… thân cành cao to màu trắng, da cây xù xì, lá to phẳng, màu xanh vàng, lá bóng không chia thuỳ. Năng suất lá 15-20 tấn/ha.Nảy mầm xuân sớm nên thích hợp với nuôi tằm con ở vụ xuân.
Nhân giống bằng hom, tỷ lệ sống thấp. Mùa xuân thường bị bệnh bạc thau. Thích hợp đất cát pha thịt nhẹ đủ ẩm.
5. Dâu Bầu đen Bảo Lộc: Thân cây màu hơi nâu, ít cành, lá hình tim, lá nhỏ nhưng dày, sinh trưởng chậm, năng suất lá ở vùng Tây nguyên chỉ đạt 7-8 tấn /ha. Khả năng chống sâu bệnh và chống hạn tốt, lá giòn dễ hái, dễ bảo quản, trồng nhiều ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, phẩm chất lá tốt, nhân giống bằng hom có tỷ lệ sống cao. Thích ứng với vùng đất đồi.
6. Dâu VA 186: Dâu có nguồn gốc ấn Độ, do Trung tâm nghiên cứu thực hiện nông lâm nghiệp Lâm Đồng chọn lọc và thuần hoá. Phẩm chất lá tốt, có sức đề kháng với sâu bệnh, kích thước lá lớn, dày, lợi công hái lá. Năng suất lá đạt khoảng 20 tấn/năm/ha.
7. Dâu tam bội thể: Giống dâu tam bọi thể trồng bằng hom số 12. Thích hợp với đất phù xa.Cây sinh trưởng mạnh, vụ xuân cho lá sớm,lá to, dày, vụ thu đông ngừng sinh trưởng muộn, phẩm chất lá tương đối tốt. Đây là giống có tiềm năng năng suất cao nhưng đòi hỏi thâm canh cao, thích hợp cho nuôi tằm lớn. Nhân giống bằng hom, tỷ lệ sống cao.
Giống dâu tam bội thể số 7 lá sẻ thùy chống chịu tốt với bệnh nấm hại lá. Thích hợp với vùng sinh thái Tây nguyên.
8. Dâu VH9: Giống dâu tam bội thể trộng hạt VH9, VH13, VH15. Giống do Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ướng mới lai tạo cây sinh trưởng mạnh, lá to trung bình, màu xanh đậm,cho năng suất lá cao đạt trên 35 tấn /ha. Vụ xuân nảy mầm muộn hơn một chút nhưng cho nhiều lá ở vụ thu. Phẩm chất lá tốt, chống chịu tốt với bệnh bạc thau.. Thời vụ trồng kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10.
9. Dâu Sa nhị luân 109: Đây là giống dâu tốt mới nhập nội các năm gần đây, hiện nay được trồng nhiều tại Sơn La, Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.Nảy mầm vụ xuân rất sớm nhưng vụ thu ngừng sinh trưởng sớm. Rất dễ nhiễm bệnh nấm hại lá. Cành mọc thẳng, ưa cắt đốn, lá dâu to, năng suất lá cao, bình quân 20-30 tấn/ha, thâm canh tốt đạt 60 tấn/ha. Phẩm chất tốt, tuổi thọ lá cao, có thể nuôi tằm con và tằm lớn đều tốt.
Nhân giống bằng cành tỉ lệ sống thấp. Nên chỉ nhân giống bằng hạt nhập từ nguồn tin cậy của Trung Quốc.