Câu hỏi 21: Triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp phòng trừ bệnh bạc thau ?
Trả lời: Khi bệnh còn nhẹ, mặt dưới của lá xuất hiện vết lốm đốm màu trắng, sau vết bệnh loang dần rồi chuyển thành màu vàng nâu và có chứa nhiều hạt phấn trắng. Phấn trắng này có chứa các sợi nấm và conidi. Sợi nấm sinh sản ra rất nhiều conidi. Conidi phát tán nhờ gió bám vào cành cây, thân cây qua đông. Mùa xuân, sợi nấm và conidi bám được vào mặt dưới lá nảy mầm xâm nhập vào trong qua tế bào khí khổng lá, cuối cùng lá vàng khô rụng. Lá bị bệnh nhẹ tằm có thể ăn được nhưng lượng giảm do chất lượng lá kém nên tằm dễ bị bệnh, lá bị bệnh nặng có mùi hôi tằm không ăn.
Nguyên nhân bệnh do một loại nấm Phyllactinia moricola.Saw gây ra, bệnh thường xảy ra khi điều kiện ẩm, độ không khí cao, nhiệt độ khoảng 230C – 250C, ẩm độ 70-80% ở Duyên Hải miền Trung và Bắc bộ bệnh thường xảy ra trong vụ xuân từ tháng 2 đến tháng 4. Mùa hè nhiệt độ cao nấm ít phát triển.
* Biện pháp phòng trừ:
– Trồng dâu với mật độ vừa phải để lá dâu có đủ ánh sáng, tạo độ thông thoáng.
– Vệ sinh đồng ruộng, thu hái lá già, lá bệnh để tiêu huỷ nhất là vụ cuối thu dâu.
– Chọn giống kháng bệnh.
– Bón cân đối NPK
– Hái lá kịp thời.
– Sử dụng thuốc hoá học: Phun Ben lat-C diệt nguồn bệnh sau khi đốn. Sử dụng Ben lat C, Anvil phun định kỳ 20 ngày/lần trong mùa bệnh hay xảy ra. Cách ly nuôi tằm 7-10 ngày. Hoặc phun dung dịch lưu huỳnh vôi 0,3-0,4oB vào vụ cuối thu.