Câu hỏi 28: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng trù bệnh bủng mủ?
Trả lời: Bệnh bủng mủ là một trong những bệnh gây thiệt hại lớn nhất ở nước ta, nó xuất hiện quanh năm. Bệnh này còn gọi các tên khác là: Bệnh tằm Nghệ, bệnh tằm khúc, bệnh tằm treo, bệnh đa giác thể.
a) Nguyên nhân: Bệnh do virus NPV (Nuclear Polyhedrosis Vius)gây ra. Bệnh do vius này hình thành các đa giác thể trong nhân của các tế bào biểu mô khí quản, tế bào mô mỡ, tế bào da và tế bào máu… (nên gọi là bủng đường máu).
Tằm bị bệnh do ăn phải lá dâu có chứa các đa giác thể đó, hoặc do virus xâm nhập qua vết thương của tằm. Trong điều kiện nuôi bất lợi như nhiệt độ nuôi quá cao, hoặc tăng giảm đột ngột, phòng nuôi tằm bị bí (không thông thoáng) tằm để dầy, ẩm độ trong mô tằm quá cao, ăn phải lá dâu ướt, bị hấp hơi, mới bón phân đạm cũng góp phần làm cho bệnh bị nặng và lan tràn nhanh chóng.
b) Triệu chứng: Thời kỳ mới nhiễm bệnh con tằm hơi lờ đờ, da tằm có vẻ sáng và như có dầu.
Khi bị bệnh nặng da trở nên mỏng và dễ vỡ, thân tằm trở thành màu trắng sữa với các đốt căng phồng. Da tằm bị vỡ giải phóng ra các dịch màu trắng sữa (tằm kén trắng hoặc màu vàng nghệ, tằm kén vàng: nên gọi là bệnh nghệ) có chứa vô số những đa giác thể và sẽ trở thành nguồn lây lan bệnh bủng mủ nhanh chóng.
Một triệu chứng đặc trưng khác là khi bị bệnh tằm hay bò ra cặp nong sau đó rơi xuống đất rồi chết, tằm thường chết sau khi bị nhiễm bệnh từ 4-7 ngày. Thời gian từ khi màng các đốt của tằm sưng lên đến khi chết tương đối ngắn từ 3-4 giờ đến 1 ngày, Khi bị bệnh nặng chân ngực của tằm mất lực bám ngoại trừ chân đuôi mà chúng dùng để treo mình thõng xuống đất (nên gọi là bệnh treo).
Nếu bị giai đoạn tằm con tằm sẽ chết và không thể nhà tơ kết kén, nhưng bị ở giai đoạn tằm lớn chúng có thể chết khi làm tổ, hoặc có thể làm tổ mỏng và chết bên trong kén. Tằm chết thường có mùi hôi thối khó chịu.
c) Biện pháp phòng trừ:
– Phòng nuôi tằm, phòng bảo quản lá dâu, phòng để né, các dụng cụ nuôi tằm cần được sát trùng thật kỹ trước khi nuôi (bằng dung dịch Foocmol 3-4% hoặc thuốc sát trùng nhà và dụng cụ nuôi tằm ).
– Xử lý trứng tằm bằng dung dịch Foocmol 2% trong 20 phút rồi sau đó mới cho vào ấp trứng.
– Nuôi tằm trong điều kiện sạch sẽ, tránh làm tằm bị sát thương da khi thay phân, khi cho ăn. Khi có tằm bị bệnh cần nhặt cho vào chậu vôi bột hoặc đem đi đốt, tránh làm vỡ da của chúng.
– Điều hoà ẩm, nhiệt độ trong phòng thích hợp với các tuổi của tằm.
– Tuổi 4 và 5 phòng nuôi tằm phải để thật thông thoáng, cho ăn lá dâu ngon, tránh cho tằm ăn lá dâu non, ướt hoặc kém chất lượng.
– Sát trùng mình tằm sau khi tằm ngủ dậy bằng vôi bột hoặc thuốc rắc mình tằm, để tằm mỏng và thưa, thời tiết nóng ẩm có thể thay phân 1 ngày 2 lần đối với tằm lớn.
– Có thể dùng dung dịch rượu tỏi 2-5% phun lên lá dâu cho tằm ăn 1 ngày 1-2 lần.