Câu hỏi 30: Tác hại của nhặng hại tằm và biện pháp phòng trừ
Trả lời: Ở nước ta nhặng hại tằm xảy ra quanh năm nhưng bị nặng nhất là cuối vụ xuân, vụ hè và đầu vụ thu. Nhặng thường đẻ trứng lên da tằm (chủ yếu là tằm tuổi 3-4-5) sau đó trứng nhặng nở chui vào mình tằm ăn các chất dinh dưỡng của tằm làm cho con tằm bị chết. Một con nhặng thường đẻ khoảng 300-400 quả trứng và chúng chỉ đẻ lên 1 con tằm từ 1-2 quả. Do đó 1 con nhặng có thể giết chết hàng trăm con tằm. Nếu nhặng đẻ vào tằm ở tuổi 3-4 và đầu tuổi 5 thì tằm sẽ bị chết không làm tổ được. Nếu nhặng đẻ vào cuối tuổi 5 tằm có thể làm tổ bình thường nhưng sau đó con giòi của trứng nhặng nở ra lớn lên sẽ cắn thủng kén chui ra làm cho kén thủng đầu không thể ươm được.
Do vậy nhặng hại tằm nếu phát triển mạnh có thể gây thiệt hại từ 30-70% sản lượng kén. Ngoài ra, khi bị chết tằm thường có mùi hôi thối làm mất vệ sinh, thối bẩn các dụng cụ như nong tằm, né tằm.
b) Biện pháp phòng trừ:
– Biện pháp vật lý:
+ Ngăn lưới ở cửa ra vào, cửa sổ của phòng nuôi.
+ Có thể dùng màn tuyn lớn che quanh nuôi tằm.
+ Diệt con giòi ở phòng lên né, phòng kén.
– Biện pháp hoá học:
Phun thuốc Bi 58 0,2% lên tằm tuổi 4 và tằm tuổi 5. Tằm tuổi 4 phun 1 lần vào giữa tuổi (ăn đủ 2 ngày đêm sau khi dậy).
Tằm tuổi 5: 3 lần
Lần thứ nhất: 1,5 ngày sau khi ngủ dậy
Lần thứ hai: 3,5 ngày sau khi ngủ dậy
Lần thứ ba: 5 ngày sau khi tằm ngủ dậy.
Chú ý: Trước khi phun phải thay phân tằm sạch sẽ, phun vào lúc trời mát và phải mở cửa thông thoáng. Phun thuốc phải theo sự hướng dẫn của kỹ thuật. Trước khi phun bao giờ cũng phun thử nếu thấy an toàn mới phun đồng loạt (Thường 1 ống Bi 58 của Trung Quốc + 0,5-0,6 lít nước lắc đều rồi phun).