Khi các nhà khoa học “lấn sân” nghệ thuật
Lâu nay người ta thường nói rằng những người làm khoa học thì tâm hồn khô khan lắm. Họ lúc nào cũng chỉ gói mình trong những đối tượng nghiên cứu của mình như cây trồng, vật nuôi, muông thú hay những con số, đồ thị và hàng loạt các công trình nghiên cứu, các phép tính, giả thuyết khoa học. Biết rằng người làm khoa học là người tự nghĩ ra cho mình những giả thuyết và sau đó mất cả cuộc đời của mình để đi tìm cách chứng minh nó. Rồi sau đó là những ngày giam mình trong phòng thí nghiệm hay không quản nắng mưa vẫn đứng giữa cánh đồng chiều lộng gió để đo đo, đếm đếm những đam mê khát vọng của mình. Thật sai lầm khi ai đó cho rằng những người làm khoa học thì chỉ biết có khoa học mà thôi.
Thực tế đâu phải thế, thật tự hào biết bao khi được nghe ở đâu đó người ta nhắc đến cái tên Giáo sư – Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng. Ông đã xóa đi cái quan điểm và suy nghĩ đó của nhiều người khi nghĩ về những người làm khoa học và ông đã chứng minh rằng những nhà khoa học nông nghiệp không chỉ biết “chân lấm tay bùn” và “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Cũng không ít người còn lẫn lộn giữa hai khái niệm: “Khi nhà khoa học viết” và “khi người viết làm khoa học”. Trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn nói đến những người khoa học tham gia trên lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật. Đọc đến đây, chắc chắn sẽ có nhiều người đặt câu hỏi: “Vậy thì khi người viết là những nhà khoa học thì họ viết những gì, viết cái gì”?
Thật vui khi trên blog của nhiều người yêu thơ ngày nay ta vẫn thấy họ lưu truyền những bài thơ của Nguyễn Ngọc Oánh. Đọc những dòng comment ta bỗng thấy ấm lòng như: “Thơ của ai mà hay và dung dị thế” hoặc “những câu thơ của tác giả này như nói hộ lòng mình”. Không biết những người đọc và viết comment ấy có ngạc nhiên không khi biết rằng họ vừa đọc thơ của một nhà khoa học. Ai bảo thơ của những nhà khoa học khô khan, văn của nhà khoa học ít bóng bẩy. Vui hơn hết khi mới đây thôi, người đoạt giải nhất của cuộc thi viết thơ lục bát “Ngàn năm hồn Việt” lại là một người viết nghiệp dư hiện đang công tác tại Bộ Nông Nghiệp. Không chỉ thế, tác giả đoạt giải nhất của cuộc thi truyện ngắn YuMe lại là của một cô giáo trẻ vùng sông nước.
Hẳn vô cùng ngạc nhiên cho những ai đã từng vào ngôi nhà của giáo sư Ngô Bảo Châu để khám phá để tìm xem phía sau Bổ đề cơ bản, phía sau những tấm huy chương và giải thưởng Fields cao quý ấy là gì? Đó là thơ là văn, là những cảm xúc nhớ về hình hài xứ sở và tinh thần đam mê định hướng về sự nghiệp toán học của nước nhà với những giây phút trải lòng rộng mở. Hay khi ta đọc một bài viết ở trên một tờ báo và thấy ở phía dưới có ký một cái tên rất quen thuộc là Nguyễn Lân Dũng. Tuy ông làm thơ viết văn không nhiều, nhưng ông cũng là một người có thể chứng minh cho mọi người thấy rằng người làm khoa học thì không hề khô khan, giáo điều, máy móc.
Một cây bút nữ đã từng có rất nhiều bài thơ hay, ấn tượng trên mặt báo trong thời gian gần đây, đó là chị Nguyễn Thị Minh (Viện chăn nuôi quốc gia) với những bài thơ rất sáng tạo khi chị viết về gia đình, về mẹ. Đọc bài thơ “Tắm cho mẹ” của chị, không thể không khỏi chạnh lòng, bùi ngùi cho những ai vẫn đang còn mẹ:
Tay run chạm chốn vai gầy
Vết chai hằn những gánh đầy gánh vơi
Tắm xưa mẹ hát con cười
Tắm nay con khóc mẹ ngồi lặng im…
Rồi những ngày tháng sắp phải chia tay đứa con gái yêu của mình lên đường đi du học ở xa, những vần thơ thắm đượm tình mẫu tử nhạt nhòa tâm hồn chị.
Con lớn rồi, tự nhiên mẹ thừa ra
Nhiều câu nói trở nên không cần nữa
Chân thiếu vững, mẹ hay ngồi tựa cửa
Bước chập chờn lay động cả không gian
Ta còn đọc được những vần thơ viết về quê hương đất nước với tình yêu tha thiết đậm đà ấn tượng qua những bài thơ lục bát của Đặng Cương Lăng:
Sắc hoa điên điển gợi mùa
Để cho nước nổi nắng mưa đầy đồng
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Hoa vàng nấu cá ai mong ai chờ?
Hình ảnh thơ mộng của Thủ đô ngàn năm văn hiến với Tháp Rùa, Hồ Gươm sâu lắng đã tạo thành những cảm xúc để viết nên những câu thơ tuyệt đẹp của anh:
Thê Húc như áng cầu vồng
Vắt ngang mây trắng một dòng thời gian
Biết bao sóng, gió, hợp, tan
Nhịp cầu sợi nắng đan ngàn nhớ thương.
Khi những cảm xúc biết ơn hướng về những người anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước trong cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm trở nên nghẹn ngào, anh đã viết:
Trắng trời Đồng Lộc năm nao
Mưa bom bão đạn, chênh chao con đường
Những tà áo đẫm khói sương
Nỗi đau tóc gẫy còn vương đất trời.
Phải kể đến những câu thơ nhận định về những triết lý, trải nghiệm của cuộc sống tươi đẹp:
Đi đâu cũng một đất trời
Ở đâu cũng một nụ cười vấn vương.
Luân hồi vòng xoáy âm dương
Trở về cát bụi con đường nhẹ tênh.
Dòng đời còn lắm chông chênh
Để cho xô đẩy, lênh đênh con đò
Ngoài ra những câu thơ viết về tình yêu đôi lứa cũng được các nhà khoa học thể hiện rất thành công. Ai đã từng đọc bài thơ Quả Sấu của Vũ Tuyên Hoàng đều có nhận xét như thế. Có thể nói Vũ Tuyên Hoàng là người tài hoa, bên cạnh những công trình nghiên cứu khoa học mà ông đã đạt được thì trong ông có đầy đủ yếu tố “cầm, kỳ, thi, họa”. Ông là nhà khoa học hàng đầu của nước ta, ông giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động chính tri, việc nào cũng lớn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, trí lực nhưng ông vẫn làm thơ, vẽ tranh mà thơ ông lại hay, tranh ông lại đẹp. Ông tự hào khi người ta nói ông làm thơ hay vì mang gen của mẹ (nữ thi sĩ nổi tiếng Hằng Phương) và ông vẽ đẹp là nhờ chị ruột (nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương). Thơ của ông là những cảm xúc được ghi lại trong đời sống thường ngày như thương mẹ, yêu vợ, nhớ bạn…
Quả sấu xanh không trốn ở đâu
Đến mùa lại trên cành lơ lửng
Vào túi anh một bên sấu rụng
Túi bên kia muối ớt để dành… em
Những vần thơ viết về tình yêu của ông vẫn được truyền tay qua nhiều thế hệ học trò:
Gió thổi hồng lá bay
Rồi thời gian xóa nhòa năm tháng
Chữ số ghi rêu phủ đầy
Chỉ có hình tim còn nguyên vẹn
Bên cạnh Vũ Tuyên Hoàng thì những khoảng trời dưới đôi mắt của Nguyễn Ngọc Oánh lúc nào cũng đầy ắp hình ảnh và âm thanh tươi non của thiên nhiên:
Ve ngân réo rắt
Rung vòm trời xanh
Tìm ve chỉ thấy
Một vùng âm thanh
Bằng những trải nghiệm cuộc sống dưới ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ngọc Oánh đã đem lĩnh vực hoạt động khoa học kỹ thuật của mình vào từng tác phẩm văn học của ông. Trong thơ của ông âm thanh và hình ảnh núi rừng hiện lên trùng điệp, rộn ràng, đôi khi buồn man mác và thiên nhiên luôn ấp ủ làm nảy nở đánh thức tâm hồn thi sĩ trong ông:
Cái đuôi của chú chìa vôi
Quệt vào nỗi nhớ của tôi suốt chiều
Còn rất nhiều những tứ thơ hay được các nhà khoa học đã đưa vào sáng tác của mình. Lặn lội tìm và đọc trang viết của họ, ta thấy ở đó toát lên tinh thần lạc quan, yêu thiên nhiên quê hương đất nước – con người. Cao hơn nhất đó còn là sự yêu nghề, gắn bó với nghề tha thiết:
Gót chân nứt nẻ đông hè
Ruộng sâu bấm mãi đã tòe ngón chân
(Nguyễn Ngọc Oánh)
Hay một câu thơ khác:
Thương nghề gọi tiếng: Tằm ơi
Thương người gọi những chơi vơi tiếng lòng
(Nguyễn Thúy Hạnh)
Để rồi lại khát khao và mơ ước:
Cùng anh trồng lại bãi dâu
Để làm vui lại nửa câu thơ buồn.
(Nguyễn Thúy Hạnh)
Cho những ngày gieo hạt bắt đầu:
Gieo bao nhiêu hạt cho vừa.
Giấu vào trong cỏ đợi mùa nắng lên.
(Nguyễn Thúy Hạnh)
Cho đến nay có thể nói là những người nghiên cứu tham gia vào con đường sáng tác đều đã ít nhiều gặt hái được những thành công nhất định. Họ đã đưa nghề vào thơ, đưa kết quả những công trình nghiên cứu khoa học vào văn chương và hội họa. Ta còn thấy từ trong sâu thẳm tâm hồn những người sáng tác không chuyên ấy là cả một nhiệt huyết và sự quyết tâm trên con đường chứng minh các giả thuyết khoa học mà họ đã đề ra.