PHẦN I – KỸ THUẬT TRỒNG DÂU
Trồng dâu, nuôi tằm là hoạt động nông nghiệp truyền thống ở Việt Nam. Trồng dâu bao gồm tất cả các thao tác của nghề nông, nuôi tằm là tổng hợp trình độ kỹ thuật cao được tạo nên bởi bàn tay người nông dân. Tơ tằm tô điểm thêm vẻ đẹp của con người và dệt nên những câu ca dao, những bài thơ trữ tình tuyệt tác.
Trải qua hàng ngàn năm với bao thăng trầm, nghề dâu tằm nước ta vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Ngày nay, khoa học kỹ thuật về dâu tằm đã có những tiến bộ vượt bậc như giống dâu tam bội trồng hom, dâu lai trồng hạt, các giống tằm lai kén vàng, kén trắng mới, kỹ thuật thâm canh dâu, nuôi tằm, lên né, phòng bệnh… Đặc biệt, nuôi tằm con tập trung và nuôi tằm lớn trên nền nhà là những tiến bộ vượt trội góp phần làm thay đổi bộ mặt nghề tằm, giúp người nông dân không còn quá khó khăn, vất vả như xưa.
Hiện nay, cả nước đang tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhưng người nuôi tằm vẫn chủ yếu làm theo kiểu thủ công, quy mô nhỏ và mất nhiều công sức. Để thích ứng với xu thế phát triển, cần chuyên nghiệp hóa sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để có năng suất cao, đồng thời giảm thiểu công lao động thì mới mở rộng được quy mô nuôi tằm.
Trên cơ sở kiến thức tích lũy qua nhiều thế hệ và những thành tựu mới trong thời gian gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương biên soạn và giới thiệu cuốn sách “Kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm” với mong muốn giúp ích được cho cộng đồng nông dân nuôi tằm, đồng thời góp sức thúc đẩy nghề trồng dâu nuôi tằm ngày càng phát triển.
I – KHÁI QUÁT VỀ CÂY DÂU
1.1. Đặc điểm hình thái: Cây dâu thuộc loại cây thân gỗ lâu năm. Các bộ phận cấu thành được chia thành cơ quan sinh dưỡng và cơ quan sinh sản. Với mục đích trồng dâu lấy lá nuôi tằm thì cần chú ý đến các bộ phận: rễ, mầm, thân cành và lá.
Rễ dâu: có chức năng hấp thu, dự trữ các chất dinh dưỡng và giữ cho cây bám chắc vào đất. Rễ dâu có khả năng tái sinh rất lớn, ở một mức độ nhất định rễ dâu bị đứt do cày xới sẽ kích thích bộ rễ mới phát triển và hoạt động hấp thu được tăng cường.
Mầm dâu: là nguồn gốc của thân, cành, lá và hoa, là cơ sở của các cấp cành. Mầm quyết định đến số lượng cành và tổng chiều dài kinh tế của cành. Tùy theo từng mùa khí hậu mà mầm sinh trưởng mạnh hay yếu cho năng suất lá cao hay thấp.
Thân, cành: vận chuyển nước và muối khoáng từ rễ lên lá và vận chuyển các sản phẩm quang hợp, các chất hữu cơ xuống phía dưới đến các tế bào của thân, cành, rễ và các bộ phận khác; Thân cành còn là một cái khung để duy trì các cơ quan của cây và là nơi dự trữ dinh dưỡng cho cây. Nó là cơ sở để cây dâu cho sản lượng lá cao. Cây dâu là loại cây có khả năng chịu đốn tỉa, nếu làm thường xuyên, hợp lý sẽ kích thích cho thân cành phát triển.
Lá dâu: là cơ quan thực hiện chức năng quang hợp để tạo nên các chất hữu cơ dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời, là nơi thực hiện sự hô hấp và điều hoà thân nhiệt bằng quá trình bốc hơi nước. Lá dâu là đối tượng thu hoạch chính trong nghề trồng dâu. Năng suất và chất lượng lá dâu có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nuôi tằm.
1.2. Điều kiện sinh thái
Ánh sáng: là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến cây dâu vì nó là nguồn năng lượng để cây tiến hành quang hợp tổng hợp ra chất hữu cơ. Dâu là loại cây trồng ưa ánh sáng. Sản lượng và chất lượng lá dâu có quan hệ mật thiết với điều kiện chiếu sáng, Ánh sáng tác động đến cây dâu thông qua cường độ, tính chất và độ dài thời gian chiếu sáng. Ngoài ra, khả năng tiếp nhận ánh sáng còn phụ thuộc vào cấu trúc tán lá nên cần chăm sóc vườn dâu có bộ khung tán hợp lý tăng khả năng sử dụng ánh sáng mặt trời cho cây dâu.
Nhiệt độ: cũng là một nhân tố sinh thái rất quan trọng, tác động mạnh đến quá trình sinh trưởng của cây dâu vì các hoạt động sinh lý như quang hợp, hô hấp, trao đổi chất đều thay đổi theo nhiệt độ. Khi nhiệt độ không khí quá thấp, cây dâu ngừng sinh trưởng. Trên 120C thì cây dâu bắt đầu nảy mầm. Nhiệt độ càng tăng tốc độ sinh trưởng càng mạnh. Nhiệt độ trên 350C sự sinh trưởng của cây bị hạn chế. Đặc biệt nhiệt độ cao hơn 400C thì đỉnh sinh trưởng của cây dâu ngừng lại. Một số lá ở gần ngọn bị cháy ở mép.
Nước: trong quá trình sinh trưởng của cây trồng nói chung và cây dâu nói riêng nước rất cần thiết cho việc hấp thụ, hoà tan, vận chuyển dinh dưỡng, quang hợp, trao đổi chất… Cây dâu chứa tới 60% là nước. Trong vườn dâu hàm lượng nước trong đất quá cao hoặc quá thấp đều làm cây cằn cỗi, không phát triển được và dễ nhiễm bệnh. Độ ẩm đất thích hợp cho quá trình sinh trưởng của cây dâu là 70-80%.
Đất: là nền tảng cho cây dâu sinh trưởng vì nó cung cấp nước và chất dinh dưỡng nuôi cây. Cây dâu không kén đất, nó có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau như: đồng bằng, đất bãi ven sông, suối, ven biển, vùng đồi trung du và miền núi. Tuy nhiên, vùng đất thích hợp nhất cho cây dâu sinh trưởng phát triển và phát huy được lợi thế cạnh tranh là vùng đất ven sông, ven suối nơi có đất thịt nhẹ, pha cát, đủ ẩm và thoáng khí. Độ pH trung tính, hàm lượng hữu cơ trên 4,0%. Ngoài ra, việc chọn đất trồng dâu cần chọn nơi có tầng đất dày và dễ thoát nước.
Không khí: Quá trình quang hợp và hô hấp của cây đều cần đến oxy và cacbonic trong không khí. Oxy sẵn có trong không khí nhưng lại ít ở trong đất nên đất cần thông thoáng thì rễ mới không bị thiếu oxy. Hàm lượng cacbonic tăng trong phạm vi 0,03 – 0,1% thì cường độ quang hợp của lá dâu tăng dẫn đến năng suất lá tăng. Vườn dâu đảm bảo thông thoáng hoặc tăng cường bón phân hữu cơ sẽ làm tăng hàm lượng CO2 tạo điều kiện thuận lợi cho cây. Ngoài ra, trong không khí còn chứa một số khí độc, khí thải. Tằm ăn phải lá dâu có bám dính những loại khí này sẽ bị ngộ độc. Vì vậy, không nên trồng dâu gần nhà máy, đường quốc lộ lớn và đặc biệt là không nên gần khu lò gạch.
1.3. Chu kỳ sinh trưởng
Chu kỳ sinh trưởng của cây dâu trong 1 năm có 2 thời kỳ: Thời kỳ sinh trưởng (ứng với mùa xuân, hè, thu) và thời kỳ nghỉ đông (ứng với mùa đông). Hoạt động sống của cây ở 2 thời kỳ này rất khác nhau:
Thời kỳ sinh trưởng: bắt đầu từ mùa Xuân khi cây dâu nảy mầm đến mùa Đông khi cây rụng lá. Độ dài của thời kỳ sinh trưởng phụ thuộc vào điều kiện sinh thái và giống dâu. Ở những vùng khí hậu ấm áp thời kỳ sinh trưởng của cây dâu dài hơn ở vùng khi hậu lạnh và những giống dâu nảy mầm sớm thường có thời kỳ sinh trưởng dài hơn những giống dâu nảy mầm muộn. Thời kỳ sinh trưởng của cây dâu có thể chia làm 3 giai đoạn: Nảy mầm (đâm chồi); sinh trưởng mạnh và giai đoạn sinh trưởng chậm dần.
Thời kỳ nghỉ đông: được tính từ khi kết thúc rụng lá ở mùa Đông đến khi bắt đầu nảy mầm ở vụ Xuân năm sau. Trong thời kỳ nghỉ đông mọi hoạt động của cây như các quá trình trao đổi chất, các hoạt động sinh lý, thoát hơi nước… của cây giảm đi rõ rệt. Cây dâu gần như ngừng sinh trưởng. Song thực tế nó vẫn duy trì các hoạt động sinh lý yếu ớt gọi là “nghỉ đông tương đối”. Hiện tượng nghỉ đông xảy ra khi cây dâu gặp điều kiện bất lợi cho sự sống và khi điều kiện thuận lợi thì lại hoạt động trở lại. Đó là phản ứng thích nghi của cây.
Để đảm bảo mục đích của nghề trồng dâu nuôi tằm là tăng năng suất, chất lượng lá dâu cần giải quyết hàng loạt kỹ thuật liên hoàn như: giống dâu, trồng dâu, cày xới, hạn chế cỏ dại, chế độ phân bón, tưới, tiêu hợp lý … Việc thu hoạch lá dâu cần đi đôi với biện pháp đốn, tỉa, phòng trừ sâu bệnh để thúc đẩy nuôi tằm nhiều lứa trong năm
II – KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC, THU HOẠCH NĂM THỨ NHẤT
2.1. Chọn giống dâu trồng
Dâu là cây trồng lâu năm, do vậy trước khi trồng cần chọn giống dâu trồng phù hợp với điều kiện sinh thái, đất đai khí hậu và tập quán thâm canh của từng vùng để phát huy hết hiệu quả của giống.
Hiện nay trong sản xuất có rất nhiều giống dâu đang được trồng. Tuy nhiên, có thể phân thành 4 nhóm dâu chính sau:
– Nhóm giống dâu địa phương: Là những giống dâu đã được trồng ở các địa phương từ rất lâu như: Dâu Bầu, Hà Bắc, Quang Biểu, Dâu Đa, Dâu Gỗ… Các giống này có ưu điểm sinh trưởng khoẻ, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi khá, nhưng năng suất lá thấp, lá nhỏ, mỏng, hái dai, nhiều hoa quả. Nhóm giống dâu này phù hợp cho vùng đất khó khăn, đất nghèo dinh dưỡng.
Giống dâu Hà Bắc
– Nhóm giống dâu tam bội thể trồng bằng hom: do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ TW lai tạo chọn lọc, gồm các giống: Số 7, Số 12, Số 11, Số 28, Số 36. Ưu điểm: sinh trưởng khoẻ, lá to, dày. Năng suất lá đạt >35 tấn/ha/năm, chất lượng lá tốt (hàm lượng protein đạt 21 – 22%). Nhược điểm: nhân giống bằng hom nên khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất lợi như chịu hạn, úng, hệ số nhân giống thấp. Nhóm giống dâu này phù hợp cho khu vực Tây Nguyên, vùng đất bãi ven sông ở Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc.
Giống dâu tam bội thể trồng hom (S7)
– Nhóm các giống dâu lai trồng hạt: là các giống do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ TW nghiên cứu, chọn tạo, gồm: VH9, VH13, VH15, GQ2, GQ12 được phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Ưu điểm: Lá to, dày, mềm và bóng, năng suất lá 35 – 40 tấn/ha/năm, chất lượng lá tốt (protein trong lá 22-23%). Thời vụ trồng quanh năm, hệ số nhân giống cao, nhiệm kỳ kinh tế dài, chống chịu sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất lợi như hạn, úng khá. Nhóm giống dâu này phù hợp nhiều vùng sinh thái (đất bãi ven sông, ven biển, đất đồi…). Nhược điểm: Do nhân giống bằng hạt nên phải qua giai đoạn trong vườn ươm (50 – 60 ngày).
Giống dâu lai F1 trồng hạt (GQ2)
– Nhóm các giống dâu nhập nội: gồm các giống dâu nhập từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc như: Sha nhị luân, Quế ưu, QĐ5 … Các giống dâu này đều nhập không chính thức, chưa qua khảo nghiệm tại Việt Nam. Ưu điểm: Là những giống sinh trưởng khoẻ, lá to, năng suất lá khá cao (35 tấn/ha/năm). Nhược điểm: Không thuần, phân ly nhiều, lá mỏng, nháp, dễ nhiễm bệnh bạc thau, gỉ sắt.
Giống dâu Quế Ưu (Trung Quốc)
2.2. Chuẩn bị đất trồng dâu
– Chọn vị trí đất:
Cây dâu có thể trồng được trên nhiều loại đất nhưng thích hợp nhất là đất bãi ven sông, đất đồi thấp, có độ pH từ 5 – 8. Đất trồng dâu phải thoát nước, không bị ngập úng lâu ngày. Không nên trồng dâu ở gần khu công nghiệp. Nên qui hoạch vùng dâu tập trung, không xen kẽ với các loại cây trồng khác vì khi sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu cho các cây trồng đó sẽ ảnh hưởng đến lá dâu nuôi tằm.
– Thiết kế ruộng dâu:
Dâu là cây lâu năm, một lần trồng sau 15 – 20 năm mới phải trồng lại, do vậy phải tính toán thiết kế ruộng dâu để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch như: phân lô, hệ thống mương tưới, tiêu, đường nội đồng…
– Làm đất
Cày bừa: Đất cho trồng dâu phải được cày trước khi trồng từ 1-2 tháng, độ sâu 20-25 cm để cho đất phong hoá hết. Bừa kỹ cho đất nhỏ, kết hợp san phẳng mặt ruộng, làm cỏ.
Đào rạch: Trồng dâu bằng cây con hay trồng bằng hom đều phải đào rạch (hoặc hố) nhưng kích thước rạch (hố) khác nhau. Nếu trồng dâu bằng cây con gieo từ hạt: rạch đào sâu 30 cm, rộng 30 cm. Trồng dâu bằng hom thì rạch đào sâu 40 cm, rộng 40 cm. Khi đào đất lớp trên mặt để sang một bên, lớp đất dưới để sang một bên. |
Phân bón: Dâu trồng mới cần thiết phải bón phân trước khi trồng. Bón phân hữu cơ 25-30 tấn/ha, phân vô cơ: lân 800 kg, kali 270 kg/ha. Sau khi rải phân hữu cơ xuống rãnh, rải tiếp phân lân và kali, sau đó lấp đất trở lại rãnh, lớp đất trên mặt cho xuống trước, lớp đất phía dưới cho xuống sau. Chỉ lấp 2/3 chiều sâu của rãnh.
2.3. Thời vụ trồng dâu
Trồng dâu bằng cây con gieo từ hạt: Ở vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc nếu trồng bằng cây con thì thời vụ trồng có thể kéo dài quanh năm. Nếu ở vùng đất bãi ven sông do ảnh hưởng của nước lũ thì thời vụ trồng nên trồng vào vụ xuân hoặc sau khi đã hết lũ. Ở những vùng bãi ven biển nhiễm mặn, vùng duyên hải miền Trung nên trồng vào mùa mưa (tháng 8-10).
Trồng dâu bằng hom: Thời vụ trồng dâu bằng hom tốt nhất vào trung tuần tháng 12 đến tháng 01 năm sau, vì đây là thời điểm cây dâu bước vào ngủ đông nên hom dâu giống có chất lượng tốt nhất, sau khi trồng xong có mưa xuân rất thuận lợi cho dâu nảy mầm, tỉ lệ sống cao.
2.4. Mật độ trồng
Tùy thuộc loại đất, phương thức canh tác và điều kiện đầu tư thâm canh mà xác định mật độ trồng hợp lý. Thông thường mật độ trồng khoảng 4 – 5 vạn cây/ha (hàng cách hàng 1,2- 1,5m, cây cách cây 0,2 – 0,3 m).
Khoảng cách trồng
2.5. Tiêu chuẩn cây, hom dâu giống và xử lý trước khi trồng
Tiêu chuẩn cây dâu giống:
Cây dâu con được ươm từ hạt trước khi trồng phải đạt một số tiêu chuẩn sau: – Cây trong vườn ươm trên 60 ngày tuổi; – Chiều cao cây đạt 30 cm tính từ gốc; – Đường kính thân cách cổ rễ 3 cm đạt trên 0,3 cm; – Cây dâu không bị sâu bệnh, không lẫn giống, độ thuần >90%; |
Cây dâu giống tiêu chuẩn đưa ra trồng |
Xử lý cây giống trước khi trồng:
– Phân thành từng loại: to, trung bình, nhỏ để trồng riêng từng loại;
– Cắt bỏ phần ngọn chỉ chừa lại phần thân 20 – 30 cm;
– Nếu rễ cây con quá dài có thể cắt bớt, chỉ chừa lại 10 – 15 cm;
– Bảo quản cây giống nơi râm mát, giữ ẩm.
Chú ý: Trước khi nhổ cây 15 ngày không được bón đạm để cứng cây.
Tiêu chuẩn hom dâu giống: Ruộng dâu để lấy hom phải trồng được 2 năm trở lên
– Hom dâu giống phải đạt từ 8 tháng tuổi trở lên.
– Đường kính hom từ 0,8 cm trở lên.
– Không có nguồn nấm bệnh.
– Không bị lẫn giống.
Xử lý hom giống trước khi trồng: Chỉ dùng hom có đường kính trên 1cm, loại bỏ phần ngọn và gốc
– Chặt hom thành từng đoạn 20 – 25 cm, có ít nhất 2 – 3 mắt/ 1 hom.
– Chặt vát 2 đầu, đảm bảo không làm dập, xước hom.
– Loại bỏ cành có nguồn nấm bệnh, rệp. Sau đó bó thành từng bó.
– Bảo quản hom nơi râm mát, giữ ẩm.
2.6. Kỹ thuật trồng dâu
Trồng dâu bằng cây con
Sau khi đào rạch, rải phân xuống rãnh và lấp đất trở lại 2/3 chiều sâu của rãnh thì tiến hành trồng. Đặt cây dâu xuống rãnh giữ cho cây thẳng, lấp tiếp phần đất còn lại sao cho luống dâu cao hơn ở rãnh từ 10 – 15 cm để khi mưa không bị đọng nước ở gốc. |
Lưu ý:
– Khi đặt cây dâu không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với lớp phân bón ở rãnh.
– Giữ cho rễ cây dâu con thẳng, không bị cuộn lại.
– Lấp đất kín phần cổ rễ.
– Nén chặt đất xung quanh gốc.
Trồng dâu bằng hom
Có hai cách trồng: một là, cắm hom dâu xiên một góc 450, để chừa một mắt nổi lên trên mặt đất cho hom nảy mầm. Mỗi khóm cắm 2-3 hom, nén đất xung quanh cho chặt Hai là đặt hom nằm trên mặt rãnh thành hai hàng song song theo kiểu nanh sấu, sau đó lấp đất.
2.7. Chăm sóc quản lý ruộng dâu sau trồng
Tưới nước: Đối với dâu trồng bằng cây con và trồng bằng hom sau khi trồng xong đều phải tưới nước cho chặt gốc, giữ đủ ẩm cho cây để phục hồi bộ rễ (với dâu trồng cây con) và ra rễ nhanh (với dâu trồng hom), sau đó cứ 3 – 4 ngày tưới 1 lần cho đến khi mầm dâu phát triển được 10 – 15 cm.
Thoát nước: Sau khi trồng nếu gặp mưa lớn kéo dài gây ngập úng ruộng dâu phải có biện pháp thoát nước kịp thời. Nếu để ruộng dâu ngập nước kéo dài cây dâu sẽ bị héo lá, vàng úa và chết.
Trồng dặm: Sau khi trồng 10 – 15 ngày (với trồng dâu cây), 25 – 30 ngày (với trồng hom), dâu sẽ nảy mầm. Cần kiểm tra phát hiện, sớm trồng dặm những cây bị chết, khuyết để đảm bảo mật độ. Nếu để chậm trễ, việc trồng dặm sẽ rất khó khăn.
Làm cỏ: Cần chú ý làm cỏ kịp thời cho ruộng dâu mới trồng. Kết hợp làm cỏ và xới xáo đất để giữ ẩm, tạo thông thoáng cho cây dâu sinh trưởng phát triển tốt.
Bón phân: Khi cây đã nảy mầm, mầm dâu phát triển cao khoảng 25 – 30 cm thì tiến hành bón thúc cho cây dâu. Lượng bón: 50 – 60 kg urê/ha, độ sâu 10 cm, cách gốc dâu 10 – 15 cm. Giai đoạn đầu đối với dâu mới trồng có thể bón phân qua lá. Phun vào buổi sáng hoặc cuối buổi chiều khi trời râm mát, không phun khi trời sắp mưa hoặc nắng to. Sau đó cứ 2 tháng lại bón tiếp một lần phân u rê. Lượng bón tăng dần lên 120 – 125 kg/ha (4 – 5 kg/sào). Đến khi dâu cho thu hoạch lá lượng bón 150 – 200 kg N-P-K/ha.
Phòng trừ sâu bệnh: Cây dâu ở giai đoạn mới trồng bị nhiều loại sâu bệnh phá hoại như dế, sâu róm, sâu cuốn lá, sâu khoang, sâu xám, rệp, xén tóc…và một số bệnh do nấm, vi khuẩn phá hoại. Vì vậy cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm để phòng trừ kịp thời (theo quy trình phòng trừ sâu bệnh ở phần sau).
Thu hoạch lá: Đối với ruộng dâu mới, sau khi trồng 4 – 5 tháng (với dâu trồng cây) hoặc 6 – 7 tháng (với dâu trồng hom) có thể thu hoạch lá nuôi tằm. Việc khai thác lá ở ruộng dâu mới trồng dựa vào nguyên tắc “Khai thác là phụ, bồi dưỡng cây là chính”. Khi cây dâu sinh trưởng đạt chiều cao 1 mét trở lên có thể khai thác từ 30 – 40 % lượng lá có trên cây. Tuyệt đối không khai thác lá khi cây còn nhỏ.
III – KỸ THUẬT CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH DÂU TỪ NĂM THỨ HAI TRỞ ĐI
3.1. Đốn dâu
Đốn đông: Thời vụ đốn vào tiết Đông chí, trước hoặc sau 1 tuần là thích hợp, khi cây dâu đã sinh trưởng được 8 – 12 tháng.
Phương pháp đốn: cách mặt đất 15 – 20 cm, vết đốn hơi vát, tránh làm dập nát, xước vết đốn ảnh hưởng đến nảy mầm và sâu bệnh dễ xâm nhập. Không nên đốn dâu khi trời đang mưa to.
– Sau khi đốn, đến vụ xuân trên thân chính sẽ nảy một số mầm. Khi mầm dâu cao 20-30 cm tiến hành tỉa định mầm. Mỗi gốc chỉ để lại 2 – 3 mầm khỏe. – Từ vụ đông năm thứ 3 trở đi đốn cách vết đốn cũ 3 – 4 cm. |
Đốn hè: đối với dâu lưu đông (không đốn sát vào vụ đông), thực hiện đốn hè vào tháng 4 – tháng 5: Đốn cách mặt đất 10-15 cm. Phương pháp đốn này có ưu điểm cho lá nhiều ở vụ xuân thích hợp cho nuôi tằm chất lượng cao nhưng có nhược điểm là thời vụ đốn vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng, mưa nhiều nên ảnh hưởng đến sinh lý cây dâu. Để hạn chế nhược điểm này cần chú ý đốn luân phiên giữa đốn đông và đốn hè. Diện tích năm nay đốn hè thì năm sau đốn đông.
Đối với dâu đốn đông vào tháng 12 ở những vùng không bị mưa lũ có thể kết hợp đốn lửng vào tháng 7 cách mặt đất 50-70cm để tăng sản lượng lá vụ thu.
Đốn phớt: Đối với ruộng dâu đốn đông, không đốn lửng vào vụ hè thì cuối tháng 8 phải tiến hành phớt bỏ phần ngọn để kích thích dâu nảy mầm tập trung ở vụ Thu
Đối với ruộng dâu để lưu đông. Khi nuôi xong lứa tằm cuối cùng vào tháng 12 thì cắt bỏ phần ngọn 20-30 cm, kích thích dâu nảy mầm ở vụ xuân đều, tập trung. |
3.2. Làm cỏ
– Cỏ dại không những cạnh tranh dinh dưỡng với cây dâu, mà nó còn là nơi ẩn náu của các loại sâu bệnh, côn trùng gây hại. Cỏ dại phải được làm ở giai đoạn còn non, trước khi cỏ kết hạt và phát tán để hạn chế tối đa sinh trưởng của chúng. Nên áp dụng cơ giới hóa trong việc làm cỏ hoặc sử dụng rơm, rạ và ni lông che phủ để giảm công lao động.
Sử dụng máy cắt cỏ lắp dây cước |
Sử dụng ni lông hoặc rơm rạ che phủ |
Hạn chế dùng thuốc trừ cỏ |
Hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ, lạm dụng thuốc trừ cỏ có thể gây hại lâu dài cho đất và môi trường. Trong trường hợp cần thiết phải dùng thì phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng.
3.3. Cày bừa ruộng dâu
Sau khi đã đốn dâu, làm cỏ xong tiến hành cày bừa rãnh dâu. Độ sâu cày 15-20 cm, sát gốc dâu, sau đó dùng cuốc cuốc xung quanh gốc dâu. Mục đích là để làm cho đất thoáng, tăng khả năng giữ nước, đồng thời phơi gốc dâu để tiêu diệt các nguồn sâu bệnh qua đông ở dưới gốc dâu.
3.4. Bón phân cho dâu:
Bón phân hữu cơ: Phân hữu cơ ngoài tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây dâu nó còn làm cho đất tơi xốp.
– Lượng bón: thông thường bón 20 – 25 tấn/ha/năm.
– Thời điểm bón: bón 1 lần vào tháng 12 sau khi đã cày, cuốc phơi gốc dâu, kết hợp với bón phân vô cơ lần 1, sau đó vun đất lại cho gốc dâu.
Bón phân vô cơ: Bón phân cho dâu cần đảm bảo nguyên tắc: Đủ lượng, cân đối, đúng lúc, đúng cách mới phát huy tối đa hiệu quả của phân bón. Hiện nay có nhiều loại phân đa yếu tố N-P-K chuyên dùng cho cây dâu, bao gồm các loại phân N-P-K bón cho ruộng dâu dùng nuôi tằm kén giống, kén ươm (cho các loại đất khác nhau: đất bãi, đất mặn ven biển, đất đồi). Khi sử dụng phân N-P-K chuyên dùng cho cây dâu không phải bón thêm bất kỳ loại phân vô cơ nào khác.
– Số lần bón: Bón 4 – 5 lần/năm vào các tháng 1, 3, 5, 7 và 9.
– Liều lượng bón: Thông thường bón 1.800 – 2.000 kg phân đa yếu tố N-P-K chuyên dùng cho dâu/1 ha/1 năm.
– Phương pháp bón: có thể bón theo hốc hoặc rạch. Cuốc sâu 15 cm, cách gốc 20 cm, rải phân sau đó lấp đất kín lại để tránh bị rửa trôi khi gặp mưa to.
Ngoài ra có thể sử dụng phương pháp bón phân qua lá để tăng chất lượng lá dâu, nhất là ở vụ thu. Tuy nhiên khi sử dụng phân phun qua lá cần chú ý phun vào lúc trời mát, không phun vào lúc trời sắp mưa.
3.5. Thu hoạch lá dâu
Thông thường một năm có thể thu hoạch 8-10 lứa. Nếu thu hoạch đúng lứa có thể tăng số lứa hái.
– Phương pháp thu hoạch: Ở nước ta phương pháp hái lá là chủ yếu. Tránh làm xước thân cây, gẫy cành sẽ ảnh hưởng đến năng suất lứa sau, sâu bệnh dễ thâm nhập qua vết xước. Ở những nơi đốn lửng vào vụ hè có thể thu hoạch dâu cành cho tằm ăn
– Phương pháp bảo quản: Lá dâu khi thu hoạch về phải bảo quản đúng cách. Rải dâu thành luống rộng 1,2m, dày 40 cm. Dùng vải dày thấm nước phủ lên trên mặt luống. Không để quá dày dâu sẽ bị ôi, cũng không để quá mỏng lá dâu nhanh bị héo. Cứ sau 3-4 giờ đảo tơi luống dâu một lần. Phòng bảo quản dâu phải đảm bảo vệ sinh, đủ ẩm để lá dâu tươi lâu. Có thể dùng bình bơm xịt nước tăng ẩm để bảo quản lá dâu lâu hơn