Các triều đại vua Hùng gắn với buổi bình minh lập nước của lịch sử Việt nam. Nghề dệt lụa cũng có từ buổi ấy với truyền thuyết về một nàng công chúa xinh đẹp, một trong những vị tổ nghề quan trọng đặt nền tảng cho một giá trị văn hóa, vật chất có sức sống lâu bền đến nay và là niềm tự hào của người Việt.
Truyện kể rằng, công chúa là người hiền lành, xinh đẹp nhưng lại không chịu lấy chồng. Nàng từ chối ý định gả chồng của vua cha và sang sống ở trang trại khác. Nàng có biệt tài nói chuyện với chim và bướm mỗi khi vào rừng chơi. Một lần nói chuyện với bướm nâu, biết bướm nâu chỉ ăn một thứ lá dâu để đẻ ra trứng rồi nở thành sâu, nhả ra sợi vàng. Bướm đưa Thiều Hoa ra bãi dâu ven sông thấy hàng ngàn con sâu đang làm kén. Thiều Hoa xin bướm giống trứng và sâu ấy cũng như hỏi bướm cách kéo tơ rồi tìm cách đan chúng thành những mảnh, tấm nõn nà vàng tươi. Nàng đặt tên cho những tấm sợi ấy là “lụa”. gọi bướm là “ngài” và giống sâu cho sợi ấy là “tằm”, còn gọi mãi cho đến ngày nay.
Sau kỳ tích ấy, Thiều Hoa đem truyền dạy cho mọi người trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt lụa. Tấm lụa đầu tiên nàng đem tặng Vua cha. Hùng Vương thứ VI khen ngợi con gái yêu và truyền cho dân chúng theo đó mà dệt lụa. Dân làng Cổ Đô, Vân Sa…rất nổi tiếng về nghề dệt lụa và nhiều làng khác tôn Thiều Hoa làm tổ sư nghề dệt lụa, thờ làm thành hoàng làng.
Lụa tơ tằm Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay có tiếng trong nước và quốc tế. Nó không chỉ đưa lại giá trị kinh tế cho quốc gia, nhiều dòng họ, gia đình, nhiều làng mà còn là một nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam gắn với một vị tổ nghề là phụ nữ sáng lập không vì lợi ích riêng, một phụ nữ “Lá ngọc cành vàng”- Công chúa Thiều Hoa.