NGHIỆM THU ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN
Vietseri – Hội đồng khoa học công nghệ cấp Nhà nước nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng”.
Ngày 29 tháng 1 năm 2015, Hội đồng khoa học công nghệ cấp Nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện Dự án tại Trụ sở Bộ Khoa học công nghệ, Hà Nội. Đây là Dự án thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 – 2015”.
Hội đồng khoa học công nghệ do TS. Bùi Mạnh Hải làm chủ tịch hội đồng, TS. Phạm Hữu Giục, phó chủ tịch hội đồng và 7 ủy viên là các giáo sư, tiến sỹ và chuyên gia hàng đầu đến từ Bộ Khoa học công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, Học viện Nông nghiệp Việt nam, Học viện tài chính, Sở khoa học công nghệ tỉnh Lâm Đồng. Về phía cơ quan thực hiện, Ủy ban nhân dân huyện Lâm Hà, có chủ nhiệm Dự án Ông Trần Thanh Phương – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Huyện, Ông Đinh Tấn Bái, chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện Lâm Hà và đại diện Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm đồng là cơ quan chuyển giao công nghệ.
Trồng dâu, nuôi tằm là nghề truyền thống của nước ta hiện đang gặp khó khăn mà một trong những nguyên nhân chính là công nghệ sản xuất lạc hậu. Huyện Lâm Hà tỉnh Lâm đồng là một vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung lớn nhất nước ta nên việc thực hiện Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà, Tỉnh Lâm Đồng là hết sức có ý nghĩa giúp cho nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển theo hướng bền vững đồng thời sẽ là mô hình tốt để nhân rộng cho các địa phương khác trong những năm tiếp theo.
Việc thực hiện Dự án này thể hiện sự quan tâm sâu sắc không chỉ của các cơ quan Trung ương cụ thể là Bộ Khoa học công nghệ, chương trình nông thôn miền núi mà còn của cả chính quyền địa phương Huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng. Điều đó đáp ứng được sự mong mỏi của những người trồng dâu nuôi tằm.
Các công nghệ được ứng dụng trong Dự án là các kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của các Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học công nghệ đánh giá cao. Đây là những công nghệ đã được thử thách tại nhiều địa phương, trong đó có Lâm đồng và đã đem lại kết quả cao cho người nông dân trồng dâu nuôi tằm.
Dự án đã tiến hành triển khai tại 3 xã của Huyện Lâm Hà là Đông Thanh, Hoài Đức và Liên Hà với 540 lượt hộ tham gia. Trong đó có 181 hộ trồng dâu, 124 hộ cải tạo dâu, 06 hộ nuôi tằm con, 229 hộ nuôi tằm lớn và 01 cơ sở ươm tơ tham gia mô hình liên kết thu mua kén, ươm tơ. Sau 3 năm triển khai, Dự án đã thực hiện được các nội dung và kết quả như sau:
+ Nghiên cứu đánh giá thức trạng và khả năng phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm tại một số xã thuộc huyện Lâm Hà: Đã điều tra 90 hộ trồng dâu nuôi tằm tại 03 xã về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội, điều kiện sản xuất, cơ cấu giống dâu, tằm, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật nuôi, phòng trừ sâu bệnh, năng suất, chất lượng, thu nhập… tiêu thụ sản phẩm. Kết quả điều tra là đáng tin cậy, phản ánh được thực trạng và đề ra được một số giải pháp để phát triển trồng dâu nuôi tằm tại địa phương.
+ Đào tạo kỹ thuật viên cơ sở: Đã đào tạo được 16 kỹ thuật viên trồng dâu nuôi tằm cho cán bộ thực hiện dự án, cán bộ khuyến nông của huyện và xã. Trong đó có 08 kỹ thuật viên của huyện Lâm Hà và 08 kỹ thuật viên của các huyện thị khác. Trong thời gian 21 ngày cả lý thuyết và thực hành, các kỹ thuật viên đã nắm vững các quy trình kỹ thuật có đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến.
+ Tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân: Trong 2 năm 2011- 2013 đã tổ chức 06 lớp tập huấn cho 300 lượt nông dân tham gia. Kết quả bà con nông dân đã nắm cơ bản nội dung tập huấn để có thể vận dụng vào sản xuất.
+ Xây dựng các mô hình
Xây dựng mô hình trồng và thâm canh các giống dâu năng suất cao S7-CB và VA-201: Đã triển khai trồng đợt 1 được 14,75ha vào tháng 12/2011-1/2012; đợt 2 trồng 18,45ha vào tháng 4-5/2012; đợt 3 trồng 2,8ha vào tháng 1/2013. Tổng diện tích trồng mới là 35ha đạt 100% kế hoạch. Kết quả theo dõi sau 2 năm cho thấy tỷ lệ cây sống 89-92%. Năng suất dâu năm thứ 2 cao hơn nhiều so với giống cũ và cao hơn so với mục tiêu đề ra. Việc đưa 2 giống dâu mới đã làm tăng thu nhập cho các hộ nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và đã có tác động rất mạnh mẽ đến các hộ nông dân ở Lâm Hà. Ngay từ cuối năm thứ nhất, do thấy được tính ưu việt của các giống dâu mới nên các hộ nông dân không những quyết tâm trồng mới mà còn mạnh dạn phá bỏ dần diện tích dâu cũ sang trồng các giống dâu mới gây nên hiện tượng khan hiếm hom giống dâu trong suốt thời gian từ 2012 đến nay.
Mô hình cải tạo vườn dâu giống cũ bằng các biện pháp canh tác: đã triển khai trên 25ha dâu giống cũ tại 3 xã bằng các biện pháp cày toàn bộ diện tích giữa rãnh dâu hàng năm, bón phân đủ và cân đối, tưới nước cho cây dâu vào mùa khô. Năng suất dâu năm thứ nhất đạt 15,2 tấn lá/ha, năm thứ hai đạt 17,9 tấn lá/ha vượt so với mục tiêu (15 tấn/ha)
Mô hình nuôi tằm con tập trung: Dự án đã triển khai thực hiện trên 06 hộ và nuôi 6.000 hộp trứng tằm theo đúng các quy trình. Kết quả đạt được tốt, tằm con đạt tiêu chuẩn, cho năng suất kén đạt 43,2kg/hộp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Mô hình triển khai đạt về số lượng hộp trứng, năng suất kén vượt so với mục tiêu của Dự án.
Mô hình nuôi tằm lớn trên nền nhà: Dự án đã triển khai thực hiện được 600 hộp/21 hộ nuôi. Trong đó xã Đông thanh nuôi 575 hộp với 17 hộ nuôi, xã Liên hà 25 hộp với 04 hộ nuôi. Kết quả tại các mô hình cho thấy nhiều khả quan như tiêu hao dâu thấp, tiết giảm được lao động nặng nhọc trong quá trình cho tằm ăn và thay phân hàng ngày. Hiệu quả tăng 32,7%. Tuy nhiên việc triển khai mô hình còn gặp khó khăn do tiến bộ kỹ thuật này còn mới đối với người dân cũng như điều kiện vật chất của các hộ nuôi.
Mô hình nuôi tằm lấy kén ươm: Đã tiến hành chuyển giao quy trình kỹ thuật đồng bộ cho nuôi tằm lấy kén và tiếp nhận tằm con từ mô hình nuôi tằm con tập trung. Kết quả theo dõi 90 hộ thì năng suất kén bình quân 2 năm đạt 45kg kén/hộp trứng, chất lượng kén được cải thiện, tiêu hao kén giảm so với ngoài mô hình.
Mô hình liên kết sản xuất dâu, nuôi tằm, tiêu thụ kén: Dự án đã chọn cơ sở ươm tơ Ba Minh có thời gian hoạt động trên 10 năm tại địa bàn có đủ năng lực tiêu thụ toàn bộ sản phẩm kén để xây dựng mô hình liên kết. Như vậy người nông dân có thể yên tâm sản xuất do được đảm bảo đầu ra sản phẩm, đồng thời doanh nghiệp cũng ổn định được nguyên liệu để sản xuất, giảm giá thành và tăng lợi nhuận do chất lượng kén được nâng cao.