Vietseri – Trong những năm gần đây nghề trồng dâu nuôi tằm đã có những đổi thay quan trọng trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp hóa. Trên khắp mọi miền đất nước xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả. Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương trân trọng giới thiệu loạt bài đánh giá về một số mô hình tại các địa phương dưới góc nhìn của các cơ quan truyền thông đại chúng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch đã chuyển đổi nhiều vùng đất trồng hoa màu kém hiệu quả trước đây sang trồng dâu nuôi tằm. Hiệu quả từ mô hình này đã giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Chị Hường đang cho tằm ăn
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Bùi Thị Hường thôn Bắc Sơn xã Bắc Bình huyện Lập Thạch, một trong những hộ đầu tiên của xã trồng dâu nuôi tằm và cũng là hộ có diện tích đất trồng dâu nhiều nhất xã, chị cho biết: Trồng dâu nuôi tằm là công việc khá nhẹ nhàng, ai cũng có thể tham gia, từ việc hái dâu, cắt dâu đến nuôi tằm ăn, nên tận dụng được công lao động trong gia đình. Kỹ thuật nuôi tằm không khó, chỉ cần người nuôi cẩn thận và chăm chỉ. Đặc biệt khi tằm bị bệnh cho năng suất không cao hoặc tằm hư không cho kén thì cũng chỉ mất công, chứ không tốn kém nhiều về vốn. Những năm đầu, do chưa có kỹ thuật, chưa có thuốc phòng bệnh và đặc biệt chưa gây dựng được địa điểm cố định, bà con chủ yếu nuôi trong nhà nên việc trồng dâu nuôi tằm còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay người dân đã có cách làm mới nên nó đã trở thành nghề chính đem lại thu nhập cho các hộ gia đình. Giờ mọi người trong thôn đã biết tận dụng đất trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả để trồng dâu, toàn bộ diện tích dâu đều sinh trưởng, phát triển rất tốt, đáp ứng nguồn thức ăn dồi dào cho tằm. Bên cạnh đó, khi nuôi đều có nhà lán riêng biệt và đã cải tiến kỹ thuật, dùng thuốc phòng bệnh nên mỗi lứa tằm đều có sức sống tốt. Chị Hường nói mỗi lứa nuôi khoảng 6- 8 vòng trứng, chị cho hay: “ Người ta thường bảo “ nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nhờ “ ăn cơm đứng” mà gia đình tôi đã có của ăn của để, nuôi con cái ăn học đàng hoàng”. Theo tính toán của chị thì nuôi tằm, mỗi năm có thể nuôi được 12- 13 lứa tằm. Trung bình 1 hộp trứng 200.000 đồng, cấy được khoảng 20 nong tằm, thu được 35- 40kg kén. Thời gian nuôi từ lúc tằm trứng đến khi tằm cho kén khoảng 30 ngày/vụ, riêng mùa nắng nóng chỉ 20 ngày/vụ tằm. Với giá bán hiện nay là 110.000 đồng/kg kén, tằm chín đến đâu có thương lái đến tận nhà thu mua hết đến đó, trung bình gia đình tôi thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Đồng thời nâng cao vị thế làng nghề, tăng thu nhập cho người dân nơi đây, góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề theo hướng bền vững.
Trung tâm Thông tin Nông nghiệp & PTNT
Hương Lan – Đức Thi
(27-10-2014)