Vietseri – Trong những năm gần đây nghề trồng dâu nuôi tằm đã có những đổi thay quan trọng trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp hóa. Trên khắp mọi miền đất nước xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả. Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương trân trọng giới thiệu loạt bài đánh giá về một số mô hình tại các địa phương dưới góc nhìn của các cơ quan truyền thông đại chúng.
Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết các địa phương có diện tích canh tác dâu lớn gồm huyện Lâm Hà (hơn 1.600 ha), huyện Đức Trọng (hơn 1.100 ha), tiếp đó là các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và TP.Bảo Lộc có diện tích dâu hơn 250 ha…
Toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở ươm tơ, trong đó ở TP.Bảo Lộc 15 cơ sở, các huyện Di Linh, Đức Trọng và Lâm Hà có 10 cơ sở, hầu hết các cơ sở ươm tơ đều nhập thiết bị hiện đại từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dệt tơ tằm Việt Silk (nguyên Phó tổng giám đốc công ty Visintex, thuộc Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam), người có 24 năm gắn bó với ngành dâu tằm tơ, cho biết sản lượng kén năm 2014 của Lâm Đồng đạt khoảng 700 tấn, vượt xa thời hoàng kim của Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam chỉ đạt 400 tấn/năm.
Để ngành dâu tằm phục hồi và phát triển như hiện nay là nhờ từ năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng (Trung tâm thực nghiệm), thực hiện các dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm cho nông dân.
Cụ thể, sau khi chọn và tạo các giống S7 – CB và VA – 201 trung tâm chuyển giao cho nông dân thay thế dần các giống dâu cũ bầu đen, bầu xanh của địa phương, và sa nhị luân, quế ưu (của Trung Quốc). 2 giống dâu mới này cho năng suất hơn gấp đôi các giống mà nông dân canh tác hàng chục năm qua. Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng có chính sách khuyến nông (hỗ trợ vốn mua cây giống) để nông dân chuyển đổi giống dâu mới.
Tại huyện Lâm Hà, thông qua dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà”, Trung tâm thực nghiệm đã chuyển giao kỹ thuật canh tác dâu giống mới cho 200 hộ nông dân ở 3 xã Hoài Đức, Liên Hà, Đông Thanh của huyện; bên cạnh đó, Trung tâm cũng chuyển giao cho nông dân kỹ thuật điều khiển nhiệt độ, ẩm độ; cách hái, bảo quản lá dâu… để nuôi tằm con tập trung với 6.000 hộp trứng tằm. Hướng dẫn kỹ thuật chuyển nuôi tằm trên nong sang nuôi trên nền nhà, do đó sản lượng kén tăng mỗi hộp từ 43 kg lên 46 kg, tiết kiệm mỗi hộp tằm nuôi khoảng 50 kg lá dâu, lợi nhuận tăng thêm gần 33%. Thông qua hợp đồng liên kết với cơ sở ươm tơ Ba Minh (Lâm Hà), dự án đã tiêu thụ cho nông dân khoảng 270 tấn kén giá cao.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Dũng (Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng), cho biết so với năng suất và mặt bằng giá cà phê và giá chè cành trong 3 năm vừa qua, thì trên 1 ha mỗi năm trồng dâu nuôi tằm giống mới ở Lâm Hà cho lợi nhuận cao hơn lần lượt từ 2,28 đến 2,71 lần. Dự kiến đến năm 2020, diện tích dâu tằm của huyện Lâm Hà sẽ phát triển lên 3.000 ha
Từ cuối năm 2012 đến nay Công ty TNHH Dệt tơ tằm Việt Silk (Bảo Lộc) thu mua kén chất lượng cao (loại 1) với giá ổn định cho bà con nông dân và các công ty dâu tằm khác ở Lâm Đồng, để chế biến tơ cao cấp xuất khẩu. Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết cứ 8 tấn kén sản xuất được 1 tấn lụa, trong năm 2014, trung bình mỗi tháng Việt Siek xuất khẩu qua Nhật Bản 1 tấn tơ lụa cao cấp. Năm 2015 Việt Siek đã ký hợp đồng xuất khẩu tơ lụa qua Nhật Bản ổn định, đây là “đòn bẩy” để nông dân tiếp tục phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.