Vietseri – Sáng 25-1, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở NN-PTNT và Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Nghề truyền thống dâu tằm tơ lụa, thổ cẩm Quảng Nam – Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”. Làm thế nào để phục hồi nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa là nỗi trăn trở lớn của tỉnh Quảng Nam.
Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề truyền thống có từ lâu đời ở tỉnh Quảng Nam và phát triển mạnh mẽ sau ngày giải phóng. Trước đây, nghề này đã có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh như Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc…; giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho hàng nghìn hộ dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT và Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam chủ trì hội thảo.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện trên địa bàn toàn Tỉnh chỉ còn khoảng 11ha trồng dâu, chủ yếu tập trung ở một số xã của huyện Duy Xuyên, như: Duy Hòa, Duy Châu, Thị trấn Nam Phước, Duy Trinh,… với khoảng 30 hộ trồng. Các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, không tốn quá nhiều công sức, thị trường tiêu thụ, giá bán cũng tương đối ổn định. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, do thị trường tiêu thụ hẹp, giới hạn ở phạm vi địa phương và chắc chắn nuôi tằm để làm thực phẩm không phải là một nghề cần khuyến cáo phát triển ở nông thôn.
Tại hội thảo, gần 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, làng nghề, doanh nghiệp đã mang đến cái nhìn đa chiều về bức tranh làng nghề dâu tằm, tơ lụa Quảng Nam hiện nay cũng như những hướng đi khả dĩ vực dậy được nghề truyền thống này.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính khiến nghề ươm tơ, dệt lụa ở Quảng Nam mai một là do cơ cấu sản phẩm không hướng tới nhu cầu thị trường là kén, tơ chất lượng cao; Sản xuất không có tổ chức nên nông dân phải nuôi tằm từ khi mới nở, không có các doanh nghiệp ươm tơ nên không đảm bảo được thị trường tiêu thụ sản phẩm kén tằm cho dân; Công nghệ sản xuất rất lạc hậu cả về giống lẫn kỹ thuật … nên trồng dâu, nuôi tằm không mang lại thu nhập tương xứng cho người nông dân. Một nguyên nhân khác dẫn đến nghề dâu tằm, tơ lụa bị mai một là do thực hiện việc giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ; việc chia đất để giao cho từng hộ phải có gần, có xa, có tốt, có xấu, nên đã phá vỡ tính liên khoảnh, liên vùng của các bãi dâu, làm cho diện tích trồng dâu trở nên manh mún, diện tích dâu bị giảm mạnh, từ đó nghề nuôi tằm và ươm tơ không thể tiếp tục sản xuất, nông dân chuyển sang cây trồng khác như dưa hấu, đậu, bắp… và ngành nghề khác hiệu quả cao hơn.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam đã có một thời hưng thịnh, tuy nhiên dần dần đi vào tàn phai, để lại những tiếc nuối rất lớn không chỉ đối với người dân Quảng Nam, mà còn của cả nước. Đến thời điểm hiện tại thị trường tơ lụa đã có dấu hiệu tốt, nhất là xuất hiện một số doanh nghiệp rất tâm huyết và có khả năng kết nối với các tổ chức trong và ngoài nước để phục hưng lại nghề này. “Tỉnh nhận thức được đây là một cơ hội rất lớn để chính quyền cùng với nhân dân, doanh nghiệp liên kết thành chuỗi giá trị để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, vì nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa thu nhập rất khá so với mức thu nhập hiện nay, đặc biệt là ở các bãi bồi sông Vu Gia – Thu Bồn nơi có điều kiện canh tác tốt. Cây dâu vừa tạo thu nhập cao nhưng cũng có tác dụng giữ đất, hạn chế xói lở, phục hồi môi trường hệ sinh thái khu vực hai bên sông. Chính vì có những điều kiện, thời cơ thuận lợi để phục hồi lại nghề này nên việc tổ chức hội thảo hôm nay cũng chính là cách gợi mở lên vấn đề, để cùng nhau chia sẻ và tìm hướng cộng tác trong tương lai” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết.
Tuy nhiên, để khôi phục, duy trì và phát triển bền vững nghề này là một quá trình lâu dài, cần phải có sự nhận thức sâu sắc của cán bộ, của nhân dân, sự đồng tâm hiệp lực của các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và quan trọng hơn là nghề này phải đem lại thu nhập cao, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân thì mới thu hút được lao động nông thôn tham gia.