Vietseri – Ngày 11 tháng 10 năm 2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Viện khoa học Nông nghiệp việt nam tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiện trạng và định hướng nghiên cứu phát triển dâu tằm tơ” tại Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, Long Biên, Hà Nội
Hội thảo được tổ chức theo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường và PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt nam chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Viện Khoa học nông nghiệp Việt nam; Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Cục chăn nuôi, Trung tâm khuyến nông quốc gia, các sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, Hà Nội, Thái Bình, Trạm khuyến nông huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, Công ty CP dâu tằm tơ Mộc châu, Công ty CP giống tằm bảo Lộc, các giáo sư, tiến sỹ trong ngành cùng đông đảo các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Tung ương và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm đồng.
Các báo cáo trình bày tại Hội thảo đã đánh giá tổng quan hiện trạng sản xuất dâu tằm tơ hiện nay. Đến tháng 12 năm 2013 cả nước có 31 tỉnh sản xuất dâu tằm tơ trên cả 8 vùng sinh thái. Tuy nhiên diện tích dâu tại một số tỉnh rất nhỏ, có 6 tỉnh diện tích dâu dưới 10ha. Tổng diện tích dâu hiện nay (2013) là 7.753 ha, giảm 60,4% so với trước đây 10 năm (2004). Vùng trồng dâu mang tính tập trung nhất là vùng Tây Nguyên chiếm 49,69%, tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng chiếm 24,09%, Bắc Trung bộ chiếm 10,20% và Duyên hải Nam Trung bộ chiếm 6,35%. Cả nước hiện nay có 39.942 hộ, 103.543 nông dân trồng dâu nuôi tằm.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trang suy giảm của nghề mà báo cáo đã đề cập tới. Trong đó nguyên nhân chính là sản xuất thủ công quy mô nhỏ, manh mún, mang tính tận dụng. Toàn bộ các yếu tố của sản xuất như đất đai, đầu tư, lao động, công nghệ đều tồn tại những vấn đề nghiêm trọng cản trở sản xuất phát triển như : Về đất đai: diện tích dâu của nông hộ quá nhỏ bé chưa thể mở rộng; Về đầu tư: nhiều người nuôi tằm không quan tâm đầu tư nhà nuôi; Về lao động: trồng dâu nuôi tằm mất quá nhiều công lao động để hái dâu và cho ăn, thay phân, lên né, thu hoạch; Về công nghệ: công nghệ sản xuất lạc hậu, nhiều nông dân nuôi từ trứng tằm cho tới khi thu hoạch kén, tằm lớn nuôi trên nong; Về chế biến chủ yếu sản xuất tơ chất lượng thấp và trung bình không đáp ứng được chất lượng để dệt máy nên không đảm bảo một thị trường tiêu thụ kén tằm tốt cho nông dân.
Đã xuất hiện những điểm sáng trong phát triển trồng dâu nuôi tằm tại Mộc châu, Lâm Đồng, Yên Bái thời gian qua đã mở ra triển vọng trong phát triển nghề tằm nước ta. Tuy nhiên để đổi mới toàn bộ hoạt động sản xuất dâu tằm nước ta là một quá trình lâu dài. Quá trình này cần phải có sự nhận thức sâu sắc của cán bộ của nhân dân, sự đồng tâm hiệp lực của các tổ chức trong ngành sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Để thúc đẩy sản xuất dâu tằm tơ phát triển, Hội thảo đã đề xuất một hệ thống các nhóm giải pháp bao gồm: Quy hoạch, thông tin tuyên truyền, đầu tư, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, quản lý, khuyến nông, phát triển hệ thống, phòng dịch, xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn nhân lực.
Về định hướng công tác nghiên cứu trong thời gian tới, các nhà khoa học cần tập trung giải quyết được vấn đề sử dụng quá nhiều lao động trong sản xuất hiện nay, công nghiệp hóa được quy trình sản xuất. Cụ thể là chọn tạo giống dâu và kỹ thuật canh tác theo hướng cắt cành, giải quyết được giống tằm lưỡng hệ kén trắng cạnh tranh được với giống Trung quốc, phòng trừ dịch bệnh và phát triển được công nghệ chế biến tơ tằm. Công tác nghiên cứu dệt may tơ tằm cần được quan tâm hơn để có thể phát triển được những sản phẩm chất lượng cao thể hiện được đẳng cấp của tơ tằm.
Đối với nông dân cần đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện có để nâng cao hiệu quả của sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng tơ kén.