Vietseri – Trong những năm gần đây nghề trồng dâu nuôi tằm đã có những đổi thay quan trọng trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp hóa. Trên khắp mọi miền đất nước xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả. Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương trân trọng giới thiệu loạt bài đánh giá về một số mô hình tại các địa phương dưới góc nhìn của các cơ quan truyền thông đại chúng.
Những năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã khá lên nhờ trồng dâu nuôi tằm, điển hình như gia đình bà Hán Thị Liệng ở thôn 1. Dù chỉ mới bắt tay vào trồng dâu nuôi tằm được 3 năm nhưng gia đình bà đã có nguồn thu đáng kể nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học vảo sản xuất.
Trước đây gia đình bà Liệng thuộc diện khó khăn, cả gia đình với 6 khẩu thu nhập chính chỉ trông chờ vào mấy sào đất lúa và rau màu; năm 2011 thấy nhiều hộ trong xã có thu nhập khá từ trồng dâu nuôi tằm, gia đình bà đã quyết định chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa và hoa màu sang trồng dâu để nuôi tằm. Mới đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật về cách chăm sóc nên những lứa tằm đầu tiên cho hiệu quả không cao, sản lượng kén thu hoạch chỉ đạt từ 12- 13 kg/vòng. Không nản chí, bà tiếp tục vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Năm 2012, bà Liệng đã đăng ký tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn nuôi tằm và sơ chế kén tằm do UBND xã phối hợp Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức. Những kiến thức tiếp thu được trong khóa học cùng với kinh nghiệm học hỏi được từ những người nuôi tằm lâu năm trong xã, trong năm đó gia đình bà đã thu được 30 triệu đồng từ bán tằm.Bà Liệng chia sẻ: “
Nghề trồng dâu nuôi tằm phù hợp với những hộ gia đình nông thôn, nghề này cần sự tỉ mỉ và có kiến thức kỹ thuật, chính vì vậy tôi luôn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và dạy nghề để có thêm nhiều kiến thức. Nuôi tằm có thu nhập gấp vài lần so với trồng ngô, trồng lúa nên gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để gắn bó lâu dài”.
Xác định trồng dâu nuôi tằm sẽ giúp cho gia đình thoát nghèo, năm 2013 gia đình bà Liệng đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích 13 sào đất trồng lúa,trồng cây hoa màu sang trồng dâu. Bên cạnh đó, bà còn dồn điền đổi thửa với các hộ lân cận để trồng dâu thành vùng tập trung, từ đó tiện chăm sóc, thu hái và đảm bảo nguồn lá nuôi tằm. Năm thứ 2 trồng dâu nuôi tằm, gia đình bà đã thu về 50 triệu đồng và dự kiến trong năm nay, nguồn thu của gia đình bàn Liệng sẽ tăng lên 70 triệu đồng.
Hiện gia đình bà Liệng thu nhập hơn 100 triệu/năm
từ nghề trồng dâu nuôi tằm
Hiện nay, gia đình bà Liệng đang áp dụng cách nuôi tằm gối lứa, một lứa nuôi 4 vòng trứng tằm, mỗi lứa cách nhau 5 đến 7 ngày; mỗi vòng trứng tằm cho thu hoạch từ 16 – 18 kg kén, với giá bán hiện nay trên 100 nghìn đồng/kg, gia đình bà Liệng thu nhập gần chục triệu đồng mỗi tháng.
Hiệu quả kinh tế đem lại thấy rõ, tuy nhiên hiện nay bà Liệng cũng như nhiều hộ khác trong thôn đang trăn trở về việc thành lập được một tổ hợp tác để liên kết giữa các hộ dân trong việc mở rộng diện tích trồng dâu, mở rộng quy mô nuôi tằm; từ đó vừa có thể giúp nhau phát triển kinh tế bền vững, vừa tránh tình trạng bị tư thương thu mua kén tằm ép giá.
Mô hình kinh tế trồng dâu nuôi tằm đã trở thành hướng đi bền vững cho gia đình bà Liệng và các các hộ dân khác trong xã. Trong thời gian tới, xã Tân Đồng sẽ tiếp tục vận động nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, đồng thời nhân rộng thêm các mô hình kinh tế hiệu quả từ nghề này để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và từng bước làm giàu.
Nguồn: Khuyến nông quốc gia (05/06/2014)