Vietseri – Trong những năm gần đây nghề trồng dâu nuôi tằm đã có những đổi thay quan trọng trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp hóa. Trên khắp mọi miền đất nước xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả. Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương trân trọng giới thiệu loạt bài đánh giá về một số mô hình tại các địa phương dưới góc nhìn của các cơ quan truyền thông đại chúng.
Dù là nghề truyền thống, song suốt một thời gian dài, trồng dâu nuôi tằm không mấy phát triển tại Đồng Nai. Song 2 năm trở lại đây, nghề này hồi phục trở lại ở một số nơi. Trong đó, huyện Cẩm Mỹ được xem là vùng phát triển mạnh nhất.
Ông Hoàng Văn Ty giới thiệu mô hình nuôi tằm trên sàn lưới
Trước đây, chỉ có một số hộ dân (chủ yếu tập trung ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) xuất thân từ vùng đất dâu, tằm Vĩnh Phúc mới chọn nghề cái nghề vất vả “ăn cơm đứng” này. Nhưng hiện nay, nhiều nhà hào hứng tham gia.
Phát triển nhanh
Phong trào trồng dâu, nuôi tằm từ xã Sông Ray đang lan nhanh sang các xã lân cận: Xuân Đông, Xuân Tây. Tính đến nay, huyện Cẩm Mỹ có khoảng 170 hécta diện tích trồng dâu với hàng trăm hộ tham gia nuôi tằm. Chị Nguyễn Thị Trang, người trồng dâu nuôi tằm tại ấp 8, xã Sông Ray, chia sẻ: “Tôi là con gái đất dâu tằm Vĩnh Phúc, nên dù vào Nam tôi vẫn theo nghề này hơn mười mấy năm qua. Thời gian đầu, đây chỉ là nghề mang lại thu nhập phụ và thường mỗi lứa tôi chỉ nuôi 1 hộp giống. Làm theo cách truyền thống, cứ 2 tiếng là cho tằm ăn một lần nên cực lắm. Giờ có giống mới, cách nuôi cũng được cải tiến nhiều, trung bình mỗi ngày chỉ cần cho ăn 4 lần, trừ giai đoạn tằm ăn rỗi phải cho ăn nhiều hơn”. Đầu năm nay, chị Trang đầu tư xây mới lại nhà nuôi tằm với quy mô gấp 3 lần nhà cũ, chị thuê thêm đất trồng dâu để đủ nguồn thức ăn cho tằm. Chị cũng không ngừng cải tiến cách nuôi, từ nuôi tằm bằng nong chuyển sang nuôi trên sàn xi măng và hiện nay đang nuôi trên sàn lưới. Cách nuôi mới này cùng một diện tích có thể thiết kế được nhiều tầng nuôi, lại tỏa nhiệt tốt nên tằm đạt năng suất cao hơn.
Ông Hoàng Văn Ty, Tổ trưởng Tổ hợp tác dâu tằm tơ Sông Ray, cho biết: “Nhận thấy nhu cầu nuôi tằm của nông dân tăng cao, tôi nhập giống dưới dạng trứng về cung cấp. Giai đoạn này yêu cầu phải có kỹ thuật tốt, nhiều nông dân tự làm thường tỷ lệ trứng nở thành con thấp. Tôi đầu tư phòng lạnh để “băng tằm” (quá trình làm cho trứng nở thành con), cung cấp con giống cho bà con và bao tiêu sản phẩm. Phong trào đang lan rất mạnh, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở xã cũng chuyển sang nghề trồng dâu nuôi tằm và đều đạt hiệu quả tốt. Theo đó, địa phương đã thành lập Tổ hợp tác dâu tằm tơ Sông Ray để liên kết và hỗ trợ nông dân về kỹ thuật.
Đầu ra đang thuận lợi
Theo ông Hoàng Văn Ty, thu nhập năm 2013 của 29 thành viên nuôi tằm trong tổ hợp tác với diện tích 18 hécta đạt trên 4,8 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí, mỗi hécta đất trồng dâu nuôi tằm cho lợi nhuận trung bình hơn 200 triệu đồng/năm, có hộ lời trên 300 triệu đồng/hécta/năm. Đầu ra vẫn cung không đủ cầu, thu hút ngày càng nhiều các cơ sở đầu tư cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Giá kén tằm trong năm ổn định ở mức cao, từ 99-103 ngàn đồng/kg.
Ông Hoàng Tham, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Đông,nhận xét, nghề trồng dâu, nuôi tằm rất phù hợp với sản xuất nông hộ tại địa phương. Nhiều hộ gia đình ở xã Xuân Đông chỉ cần có vài ngàn m2 là có thể triển khai mô hình này, một số hộ cải tạo chuồng heo cũ hoặc nuôi ngay trong nhà nên không cần nhiều vốn đầu tư, lại tận dụng được nguồn lao động lúc nông nhàn mà hiệu quả cao
Theo ông Phan Thanh Sơn, chủ cơ sở chuyên cung cấp giống tằm và bao tiêu sản phẩm cho nông dân ngụ tại xã Xuân Đông, hiện ông đã đầu tư được 4 trại cung cấp giống tằm tại Đồng Nai. Hiện ông đang cung cấp giống và tiêu thụ sản phẩm cho hàng trăm nông dân ở các tỉnh, như: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Ông Sơn đánh giá chất lượng và năng suất kén tằm nuôi ở Đồng Nai không thua gì Bảo Lộc, vùng đất nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Ông vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư giống, một phần vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng dâu nuôi tằm. Vì theo ông: “Thị trường thế giới hiện vẫn thiếu đến 40% nhu cầu về lụa tơ tằm. Việt Nam lại có nhiều lợi thế cạnh tranh trong ngành này, vì đây là nghề làm hoàn toàn bằng thủ công. Trong khi đó, lao động Việt Nam rất rẻ, lại giàu kinh nghiệm trong nghề trồng dâu nuôi tằm”.