BÁO LÀO CAI – Trong hai ngày (1/7 và 2/7), UBND huyện Bảo Yên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương tổ chức khảo sát thực tế và đối thoại với người dân nhằm tháo gỡ khó khăn cho vùng trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện.
Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã đi thực địa khu vực trồng dâu nuôi tằm tại các xã Nghĩa Đô, Việt Tiến, Cam Cọn và trực tiếp trao đổi với người dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Đoàn công tác khảo sát khu vực nuôi tằm xã Nghĩa Đô. |
Qua thực tế tại các địa phương, người dân có chung phản ánh những năm đầu triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm đều rất thuận lợi, cây dâu phát triển tốt, tằm sinh trưởng đúng chu kỳ, sản lượng kén đảm bảo, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên những năm gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm liên tục gặp khó khăn, nhiều diện tích dâu bắt đầu xuất hiện sâu bệnh, các lứa tằm phát triển không đồng đều, một số bị chết khi chưa kịp lên kén khiến nông dân thiệt hại kinh tế, ngay cả những hộ đầu tư nuôi tằm trong phòng lạnh cũng chưa thu được hiệu quả như mong đợi. Một số hộ dân cho rằng nguyên nhân là do chất lượng giống không đảm bảo…
Bà Nguyễn Thị Len, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương trao đổi với người dân xã Nghĩa Đô. |
Lắng nghe những ý kiến của người dân, bà Nguyễn Thị Len, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương chỉ rõ tồn tại lớn nhất ở vùng trồng dâu nuôi tằm Bảo Yên là người dân chưa làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch. Tằm là loài vật có thời gian sinh trưởng ngắn do vậy đòi hỏi yêu cầu nuôi khắt khe, đặc biệt khi đã mắc bệnh thì không có thuốc chữa nên cách tốt nhất là phải phòng bệnh bắt đầu từ nguồn thức ăn là lá dâu phải sạch, khu vực nuôi đảm bảo thông thoáng, từng chu kỳ nuôi của tằm cũng phải có cách chăm sóc riêng biệt. Việc người dân phản ánh những năm đầu nuôi thành công sau đó thì bắt đầu có hiện tượng tằm chết càng khẳng định khâu vệ sinh phòng bệnh thực sự chưa tốt do đó trên cây dâu tằm và khu vực nuôi xuất hiện mầm bệnh sau đó phát tán ra môi trường rồi lây lan vào con tằm.
Thực tế cho thấy cùng một lô giống tằm phát ra cho các hộ dân chỉ có một số hộ bị chết còn các hộ khác vẫn lên kén bình thường đã khẳng định nguồn giống đảm bảo chất lượng. Chia sẻ với ý kiến của người dân khi cho biết với điều kiện hiện nay thì đầu tư một mô hình nuôi tằm tiêu chuẩn rất khó khăn, bà Nguyễn Thị Len cho biết con tằm rất khó tính, tuy đầu tư chuồng trại ban đầu khá tốn kém nhưng sẽ đảm bảo nuôi chắc thắng và cho hiệu quả kinh tế cao. Người dân quyết định đến với nghề trồng dâu nuôi tằm thì phải xác định đây là nghề vất vả nhưng cũng sẽ mang lại thu nhập tương xứng nếu thực sự trăn trở với nó.
Bà Nguyễn Thị Len nhấn mạnh thị trường lúc nào cũng đáp ứng đầu ra của kén tằm, điều quan trọng nhất là bà con phải áp dụng đúng kỹ thuật được hướng dẫn để đảm bảo năng suất. Nhiều địa phương có điều kiện tương tự như Bảo Yên ban đầu cũng gặp khó khăn khi phát triển thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm nhưng bằng sự quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân, đến nay đã hình thành vùng trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao, người dân Bảo Yên có thể đến đó thực tế để học tập kinh nghiệm.
Mạnh Dũng
(Báo Lào Cai)
http://www.baolaocai.vn/bai-viet/213230-bao-yen-thao-go-kho-khan-cho-vung-trong-dau-nuoi-tam