Vietseri – Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, toàn thể cán bộ viên chức Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới lễ kỷ niệm. Trong đó, nhìn nhận đánh giá lại chặng đường đã qua là một trong những hoạt động trọng tâm.
Ngày trọng đại hôm nay chắc chắn sẽ đi vào lịch sử dài lâu của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trung ương như một dấu mốc đặc biệt – Ngày kỷ niệm 40 năm thành lập Trung tâm, ngày hội ngộ của tất cả chúng ta, ngày hạnh phúc!
Xin nồng nhiệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, quý vị khách quý, các cán bộ công nhân viên đã và đang công tác tại Trung tâm trong 40 năm qua đã về tham dự trong buổi lễ trọng thể này. Xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu cùng toàn thể cán bộ công nhân viên lời chúc sức khỏe, thành công và hạnh phúc. Chúc cho niềm vui luôn tràn ngập trong tâm hồn ta, cho mặt đất luôn nở hoa và rạng rỡ ánh mặt trời, chúc cho những cánh đồng dâu xanh ngát, những mùa kén bội thu!
Bốn mươi năm không phải thời gian ngắn ngủi, song so với quá trình lịch sử hàng ngàn năm của một nghề truyền thống đã đi cùng đất nước từ buổi sơ khai, thời gian đó chỉ như giai đoạn bắt đầu nhưng đủ để chúng ta từng bước khẳng định được sứ mệnh và sức vươn lên của một tổ chức đang độ trưởng thành mang trong mình nhiều khát vọng. Bốn mươi năm qua, nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã không kể ngày đêm viết tiếp giấc mơ về một nền sản xuất dâu tằm Việt Nam hiện đại và hội nhập cùng thế giới. Bốn mươi năm… Lịch sử của Trung tâm như một dòng sông xuôi chảy:
Năm 1977, Bộ Nông nghiệp đã quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung Ương trên cơ sở Trại tằm Trung ương Gia Quất, Gia Lâm, Hà Nội và Trạm nghiên cứu Dâu tằm tơ Việt Hùng, Vũ Thư, Thái Bình, đồng thời bổ sung thêm cán bộ khoa học từ Cục Dâu tằm. Ban đầu Trung tâm có 5 bộ môn nghiên cứu, 3 tổ nghiệp vụ và 1 trạm trực thuộc.
Bốn mươi năm nghiên cứu về cây dâu đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ: Nghiên cứu chọn tạo giống là một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm và thực tế đã được triển khai từ rất sớm. Thời kỳ đầu công tác chọn tạo giống dâu được thực hiện theo hướng nâng cao năng suất lá nên các giống được chọn tạo theo phương pháp đột biến tạo ra cây dâu tứ bội sau đó lai với giống nhị bội để tạo ra giống tam bội mới có năng suất được cải thiện rõ rệt. Trong thời gian từ 1977 đến 1996, đã chọn tạo 5 giống dâu tam bội thể được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống quốc gia. Đó là các giống số 7, số 12 được công nhận năm 1988; giống số 11 được công nhận năm 1994, giống số 28 và số 36 được công nhận năm 1996. Trong số 5 giống này, giống dâu số 7 được chuyển giao vào Lâm đồng và được Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm đồng tiếp tục chọn lọc và phát triển thành giống S7CB, đồng thời chuyển giao nhanh vào sản xuất xuất trên địa bàn Tây nguyên. Đến nay, giống này chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất và được nhân dân đánh giá rất cao. Giống số 28 có nhiều ưu điểm vượt trội, hiện nay vẫn được Trung tâm tiếp tục mở rộng ở miền bắc và miền Trung, những nơi mà nhân dân có nhu cầu nhân giống bằng hom. Thành công trong chọn tạo giống tam bội trồng bằng hom đã góp phần nâng cao năng suất lá dâu từ 10 – 15 tấn lá/ha trước đây lên 20 – 25 tấn/ha.Từ thập kỷ 90, công tác chọn tạo giống dâu đã chuyển theo hướng dâu tam bội thể trồng bằng hạt để nâng cao năng suất nhờ ưu thế bộ rễ của cây gieo từ hạt. Từ đó đến nay đã có 03 giống dâu mới được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức là VH9, VH13, VH15 và 02 giống đang sản xuất thử là VH17 và GQ2. Do chọn tạo theo hướng trồng bằng hạt nên có ưu điểm là hệ số nhân giống cao, thời gian nhân giống nhanh, có bộ rễ ăn sâu chịu hạn tốt, không quá lệ thuộc vào thời vụ trồng, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, lá to, dày, dễ hái, khả năng chống chịu úng, hạn và sâu bệnh tốt. Bên cạnh công tác nghiên cứu về giống, nghiên cứu về kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại dâu cũng đã có những thành tựu quan trọng như đốn rải vụ, phân NPK chuyên dụng, quy luật phát sinh phát triển và biện pháp phòng trừ sâu khoang, sâu róm, sâu cuốn lá, bệnh bạc thau, gỉ sắt … Đã xây dựng được quy trình sản xuất hạt dâu lai F1, quy trình trồng chăm sóc và thu hoạch dâu trồng hom, dâu trồng hạt, phòng trừ bệnh hại tổng hợp trên cây dâu, góp phần đưa năng suất lá trung bình đạt 35 – 40 tấn lá/ha. Trong điều kiện thâm canh cao có thể đạt năng suất trên 40 tấn/ha.
Bốn mươi năm chọn tạo giống tằm đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Nhiệm vụ chính trong công tác chọn tạo giống tằm thời gian đầu là thay thế giống tằm đa hệ kén vàng bản địa bằng các giống có năng suất và chất lượng tơ kén cao hơn. Việc đưa các giống tằm lưỡng hệ nhập nội vào sản xuất và sau đó là chọn tạo được các giống tằm lưỡng hệ kén trắng của Việt Nam trong thập kỷ 70 và 80 cho năng suất chất lượng tơ kén vượt trội so với trước thực sự là bước tiến lớn trong công tác chọn tạo giống tằm. Trong 40 năm qua nhiều thế hệ cán bộ đã chọn tạo được 26 giống tằm và cặp lai. Trong đó, có 17 giống lưỡng hệ nguyên, 02 cặp lai đa hệ kén vàng và 7 cặp lai lưỡng hệ tứ nguyên năng suất, chất lượng cao. Trong số những giống tằm đã được công nhận có nhiều giống tồn tại khá dài trong sản xuất, mang lại lợi ích cho ngành dâu tằm đó là các giống tằm lưỡng hệ 621, 644 trong thập kỷ 70, giống tằm lưỡng hệ vụ xuân thu XV, LNB, J71, NC, giống tằm lưỡng hệ vụ hè BL, 4792 trong thập kỷ 80 và từ năm 2000 đến nay là các giống đa hệ lai vụ hè ĐSK x 09 và giống tằm tứ nguyên lưỡng hệ kén trắng TN1827, GQ2218. Giống tằm lưỡng hệ kén trắng cho vụ Xuân, vụ Thu của Trung tâm hiện nay có sức sống tằm đạt trên 85%, năng suất đạt 13-14kg kén/vòng, kén to, cùi dầy, chiều dài tơ đơn bình quân từ 900 -1.000 m, tỷ lệ lên tơ đạt 80%, hệ số tiêu hao kén tươi không quá 7 kg kén /1kg tơ, tơ đạt cấp 2A trở lên. Giống tằm đa hệ lai lưỡng hệ có sức sống cao, nuôi tốt vào thời kỳ nóng ẩm của vụ hè đạt năng suất 11-12 kg kén/vòng trứng,chiều dài tơ đơn 620-650m, tỷ lệ tơ nõn đạt 11,4%,tiêu hao 8,8 kg kén tươi/kg tơ. Từ năm 2009, ngoài tằm dâu, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu thu thập, phục tráng và chọn tạo được 03 giống tằm thầu dầu lá sắn. Trong đó, giống tằm sắn TS1-T nuôi thích hợp ở vụ xuân, thu, giống tằm TS1-H thích hợp nuôi vụ hè và giống TS1-TP làm thực phẩm, có chất lượng dinh dưỡng trong tằm và nhộng cao.
Bốn mươi năm phát triển kỹ thuật nuôi tằm đã có những bước phát triển đột phá: Nổi bật nhất là “Tằm con nuôi tập trung” và “Tằm lớn nuôi trên nền nhà”. Tằm con yêu cầu cao về dinh dưỡng, điều kiện nuôi, chăm sóc và phòng dịch điều mà không phải hộ nông dân nào cũng có thể đáp ứng được nên cần nuôi tập trung để đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật. Nếu có giống tốt và tằm con được nuôi tốt thì lứa tằm gần như sẽ thắng lợi. Nuôi tằm con tập trung có nhiều ưu điểm là tiết kiệm vật tư, lao động; nâng cao năng suất và chất lượng kén; tạo điều kiện cho người nuôi tằm lớn dễ dàng đạt kết quả và rút ngắn thời gian nuôi chỉ còn trên 10 ngày đồng thời tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm kén. Do có nhiều ưu điểm nên nuôi tằm con tập trung đã được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, do là hình thức tổ chức sản xuất nên phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế xã hội của các địa phương trồng dâu nuôi tằm. Việc phát triển mở rộng nuôi tằm con tập trung trong thực tiễn sản xuất ở nước ta gặp rất nhiều trở ngại và phải trải qua quá trình rất dài. Sau rất nhiều nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ bám sát địa bàn, nuôi tằm con tập trung bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2000 và thực sự bùng nổ trong khoảng 10 năm gần đây. Đến nay nuôi tằm con tập trung đã chiếm tỷ lệ hơn 50% trên toàn quốc và ở các địa phương như Yên Bái, Sơn La, Lâm Đồng gần như toàn bộ số hộ nuôi tằm đều mua tằm con về nuôi. Nuôi tằm con tập trung đã có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả cho sản xuất dâu tằm đặc biệt là hạn chế tổn thất do dịch bệnh.
Tằm lớn nuôi trên nền nhà có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đơn giản hóa khâu nuôi tằm. Do lợi dụng được khoảng không gian thoáng nên dễ chăm sóc, giảm được số bữa cho tằm ăn, giảm số lần thay phân san tằm, tiết kiệm được từ 30 – 35% công nuôi tằm, tiết kiệm được 10-12% lượng dâu tiêu hao/1 kg kén. Năng suất kén tăng 15-23%. Khi tằm chín, dồn tằm thành luống rồi đặt né để tằm tự bò lên mà không phải mất công bắt tằm lên né như nuôi tằm trên nong. Vì thế việc tiết giảm nhân công trong cả 2 khâu nuôi tằm và lên né là rất rõ rệt và công việc nuôi tằm đã được đơn giản đi nhiều. Người nuôi tằm có thể nuôi được nhiều tằm hơn mỗi lứa, nếu mua tằm con về nuôi thì sẽ nuôi được nhiều lứa hơn trong năm. Tuy nhiên, nuôi tằm lớn trên nền nhà cần nhiều diện tích nuôi hơn trước, nhưng chính yêu cầu có nhà nuôi tằm riêng đã thúc đẩy quá trình phát triển nuôi tằm quy mô lớn mang tính chuyên nghiệp hơn thay thế cho tập quán chăn nuôi nhỏ và tận dụng hiện nay.
Hình thức tổ chức nuôi tằm con tập trung và kỹ thuật nuôi tằm lớn trên nền nhà đã hình thành nên công nghệ nuôi tằm tiên tiến mang tính đột phá có thể làm thay đổi diện mạo nghề trồng dâu nuôi tằm trong thời gian tới.
Bốn mươi năm nghiên cứu bệnh tằm đã góp phần giảm tổn thất do dịch bệnh: Thời gian đầu công tác nghiên cứu bệnh tằm tập trung vào công tác vệ sinh sát trùng phòng bệnh và khống chế bệnh tằm gai trong nghiên cứu và sản xuất giống tằm. Đã xây dựng được quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh tằm gai và ban hành tiêu chuẩn bệnh tằm gai năm 1979. Sang thập kỷ 80, thực hiện nghiên cứu phòng và chữa bệnh tằm bằng clorua vôi 2% pha vôi bột rắc lên mình tằm có tác dụng phòng và chữa bệnh tằm vôi rất tốt. Đã nghiên cứu phòng trừ nhặng hại tằm bằng hóa chất Bi58 và xác định được đối với tằm con sử dụng nồng độ 6%, đối với tằm lớn sử dụng nồng độ 7% có hiệu quả diệt được trứng nhặng hại tằm. Tiếp tục nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh tằm gai và đã xác định được hoạt chất Fundazol 0,5% phun lên lá dâu cho tằm ăn đã giảm tỷ lệ bệnh tằm gai trên 50%. Tháng 3 năm 1997 lần đầu tiên Trung tâm sản xuất được 4 loại thuốc là Lục mêi tố, Hồng mêi tố, Kháng khuẩn đa năng tăng sản và Kích thích tằm chín theo công nghệ của Trung quốc. Từ năm 2006 công tác nghiên cứu tập trung phòng chống các loại bệnh vi khuẩn hại tằm. Đã xác định qui luật phát sinh phát triển của 03 loại vi khuẩn chính gây bệnh và mức độ gây hại với các hệ giống ở các mùa vụ. Xác định hoạt chất kháng sinh Nofloxacin và Lincomycin có tác dụng phòng, trị bệnh vi khuẩn, hạn chế bệnh virus và một số bệnh khác gây hại trên tằm. Năm 2007, Trung tâm đưa vào sản xuất thuốc phòng bệnh KS4 hoàn toàn tự lực đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực phòng chống bệnh hại tằm. Hiện nay, đang tập trung nghiên cứu hoạt chất sát trùng hiệu quả hơn, an toàn hơn cho người sử dụng và phòng chống bệnh do nấm.
Bốn mươi năm nghiên cứu tơ kén đã có sự chuyển hướng và mở rộng sang lĩnh vực dệt: Trong thập kỷ 70 công tác nghiên cứu tơ kén khởi đầu chủ yếu với việc đánh giá các chỉ tiêu công nghệ tơ kén phục vụ chọn tạo giống của cơ quan và yêu cầu của các đơn vị khác trong ngành. Từ thập kỷ 80, đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của các phương pháp bảo quản kén tươi đến tỷ lệ lên tơ và hệ số tiêu hao kén giúp cho các nhà máy ươm tơ có cơ sở khoa học trong việc bảo quản nguyên liêu để điều tiết quá trình sản xuất. Thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt, ẩm độ đến quá trình nhả tơ khi tằm lên né làm tổ, đã xây dựng được quy trình kỹ thuật trở lửa kén ươm là một kỹ thuật chỉ có ở Việt nam nhằm nâng cao tỷ lệ lên tơ trong điều kiện nóng ẩm nước ta. Việc nghiên cứu công nghệ ươm tơ ở tất cả các công đoạn như thẩm thấu, nấu kén, ươm tơ, guồng lại đã giúp cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm có đủ năng lực để đào tạo nghề cho đội ngũ cán bộ và công nhân ươm tơ tại hầu hết các cơ sở ươm tơ tư nhân cũng như của nhà nước. Từ năm 2009, được Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ tăng cường trang thiết bị, Trung tâm đã chuẩn bị nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực dệt để chuyển hướng nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo. Hiện nay, đã sản xuất được khăn và tất tơ tằm với nhiều kiểu dáng, màu sắc mang thương hiệu VIETSERI. Sản phẩm nổi bật thể hiện được đẳng cấp của tơ tằm đã đánh dấu một bước tiến mới trong công tác nghiên cứu về tơ kén. Việc phát triển công nghệ dệt kim tơ tằm một lĩnh vực dệt mới trong ngành đã giúp cho Trung tâm hội nhập và có chỗ đứng trong cộng đồng những người dệt lụa tại Việt nam.
Bốn mươi năm qua bằng sự nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển giống dâu, giống tằm, kỹ thuật canh tác dâu, nuôi tằm, phòng trừ sâu bệnh và chế biến sản phẩm. Cơ cấu giống dâu, giống tằm cho năng suất chất lượng tốt ngày càng hoàn thiện, kỹ thuật nuôi trồng ngày càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ tổn thất do dịch bệnh ngày càng giảm, sản phẩm chế biến ngày càng khởi sắc dần làm thay đổi bộ mặt nghề tằm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trồng dâu nuôi tằm khắp mọi miền tổ quốc.
Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sản xuất nông nghiệp nước ta có bước phát triển ngoạn mục từ một nước thiếu đói đã đảm bảo an ninh lương thực và trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trái ngược với xu hướng ấy, sản xuất dâu tằm trong nước không hiệu quả và ngày càng giảm sút. Trong khi đó các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao của Trung tâm chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật, toàn bộ khía cạnh kinh tế xã hội của nghề tằm chưa được quan tâm đến. Trong bối cảnh công tác nghiên cứu đòi hỏi không chỉ về khoa học kỹ thuật mà cần được thực hiện cả về định hướng phát triển, tổ chức sản xuất và tiêu thụ thì tháng 11/2006 theo đề nghị của Trung tâm, Viện nghiên cứu Rau quả đã có quyết định thành lập Bộ môn Kinh tế và CGCN. Từ đó tình hình sản xuất dâu tằm, thị trường tiêu thụ thường xuyên được cập nhật, được phân tích, dự báo xu thế phát triển; Đã có những nghiên cứu tổng kết thực tiễn phát triển sản xuất dâu tằm trong và ngoài nước từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp cho sản xuất dâu tằm nói chung và các địa phương nói riêng trong thời gian tới. Đã có những nghiên cứu về chuỗi giá trị dâu tằm tơ lụa và nhiều vấn đề được nhìn nhận dưới cách tiếp cận mới như vấn đề chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, vấn đề nuôi tằm con tập trung … Công tác chuyển giao TBKT vào sản xuất được chuyển đổi căn bản từ các hoạt động khảo nghiệm giống là chủ yếu trước đây sang thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất tại các địa phương. Nội dung chuyển giao tập trung vào những vấn đề chính như: Thông tin tuyên truyền, trao đổi thông tin, phổ biến kiến thức; Thay đổi giống và kỹ thuật canh tác dâu; Xây dựng hệ thống nuôi tằm con tập trung; Thay đổi công nghệ nuôi tằm; Sản xuất cung ứng quy mô lớn thuốc sát trùng nhà, sát trùng mình tằm, thuốc phòng bệnh; Tăng cường liên kết giữa những người sản xuất, giữa người sản xuất với thị trường. Phương thức chuyển giao được bổ sung thêm những hình thức mới hiện đại và hiệu quả hơn. Trang thông tin Vietseri.vn đã thực sự trở thành diễn đàn trao đổi thông tin và kiến thức về nghề tằm, là phương tiện kết nối người trồng dâu nuôi tằm với thị trường, với các nhà khoa học.
Bốn mươi năm qua, rất nhiều cán bộ nghiên cứu của chúng ta đã học tập và công tác tại nhiều quốc gia có nghề tằm tiên tiến trên thế giới như Trung quốc, Ấn độ, Nhật bản, Hàn quốc, Bulgaria, Uzbekistan, Thái lan… Họ chính là những nhân tố gắn kết và không ngừng vun đắp mối quan hệ giữa nghề tằm nước ta và các nước khác. Thông qua nhiều hoạt động như đào tạo, nghiên cứu, trao đổi thông tin,… đã góp phần nâng dần vị thế của Trung tâm trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào cộng đồng các quốc gia trồng dâu nuôi tằm trên thế giới, đưa hợp tác quốc tế phát triển trên tầm cao mới.
Công tác xây dựng Đảng luôn được Chi bộ Trung tâm quan tâm, mối quan hệ công tác giữa Đảng – Chính quyền – Công đoàn thể hiện sự gắn bó, đoàn kết nhất trí cao và hiệu quả. Trong các thời kỳ Chi bộ luôn là hạt nhân lãnh đạo, trung tâm đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu chung vì sự nghiệp phát triển nghề tằm tại Việt nam. Trong nhiều năm qua, Chi bộ Trung tâm liên tục được công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Công đoàn Trung tâm đã phát huy tốt chức năng tổ chức, động viên cán bộ đoàn viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Tổ chức phát động có hiệu quả các phong trào thi đua: Lao động giói lao động sáng tạo; Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học; Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; Tăng cường tự chủ tự chịu trách nhiệm theo NĐ115/CP; Xanh sạch đẹp … góp phần nâng cao chất lượng công tác, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội trong Trung tâm.
Công tác thanh niên thu được nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh về “học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”; phong trào thanh niên phấn đấu vào Đảng đã có tác dụng lôi kéo đoàn viên thanh niên tích cực học tập và tu dưỡng để trở thành các nhà khoa học có lý tưởng, có hoài bão, các cán bộ nghiên cứu “vừa hồng vừa chuyên” của Trung tâm trong tương lai.
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ viên chức và người lao động là công việc được Chi bộ, Ban giám đốc thường xuyên quan tâm, coi đó là một biện pháp động viên thiết thực, tạo điều kiện tốt hơn cho CBVC yên tâm công tác, thêm yêu cơ quan, yêu nghề, tạo động lực mạnh mẽ cho Trung tâm phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Với những thành tích đã đạt được, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động hạng ba (năm 1997); Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2012) và nhiều Huy chương, Bằng khen của Chính phủ, của Bộ, ngành và các địa phương. Giống dâu số 12 được tặng Huy chương vàng, giống số 7 Huy chương bạc, giống số 11 nhận giải Bông lúa vàng, giống VH9 nhận giải 3 VIFOTEX, giống VH13 nhận Cúp Vàng Nông nghiệp. Giống tằm N12, N16 được nhận giải Bông lúa vàng. Năm cán bộ của Trung tâm được tặng thưởng huân chương lao động hạng ba. PGS. TS. Lê Thị Kim và tập thể nữ được tặng giải thưởng Kovalepskaia.
Đằng sau những thành tích, những danh hiệu thi đua đã đạt được là khát vọng không mệt mỏi, là sự phấn đấu hết mình vì nghiệp tằm tang còn nhiều gian khó. Với Trung tâm hôm nay, bốn mươi năm là một hành trình đủ dài để truyền thống được kế thừa và tiếp nối, bởi dù người đi trước hay người đến sau đều một lòng mong mỏi xây đắp cơ quan, để Trung tâm mãi là nơi gắn kết tình đồng nghiệp, để nghề tằm thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu.
Từ năm 2009 đến nay, sản xuất dâu tằm cả nước không còn giảm sút như trước và có triển vọng tăng trưởng trong vài năm gần đây. Tương lai đã mở song không có nghĩa là đã hết khó khăn. Toàn thể cán bộ nhân viên sẽ đồng lòng chung sức vì sự nghiệp chung. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung phát triển khoa học công nghệ như sau:
Về chọn tạo giống, chúng ta sẽ tiếp tục chọn tạo những giống dâu mới năng suất cao nhưng có khả năng kháng một số bệnh chủ yếu như bạc thau, gỉ sắt …. Chúng ta phải tập trung trí tuệ và sức lực để sớm giải quyết bằng được vấn đề giống tằm lưỡng hệ tại Việt nam vốn tồn tại bấu lâu nay. Tiếp tục nâng cấp giống tằm đa hệ lai lưỡng hệ đáp ứng yêu cầu sản xuất trong vụ hè tại miền Bắc và miền Trung.
Trong lĩnh vực kỹ thuật nuôi trồng, thực hiện đơn giản hóa, giảm công lao động, từng bước hiện đại hóa và công nghiệp hóa các khâu chăm sóc dâu, thu cành, nuôi tằm, lên né và thu hoạch kén giúp cho người trồng dâu nuôi tằm bớt đi nhiều thương khó, để cho câu ca “làm ruộng ăn cơm nằm nuôi tằm ăn cơm đứng” chỉ còn trong quá khứ.
Trong lĩnh vực phòng trừ sâu bệnh, hướng tới các giải pháp hiệu quả hơn nhưng an toàn hơn. Thực hiện phòng chống bệnh tằm từ ngoài đồng ruộng trong đó có bệnh tằm gai, Nghiên cứu các giải pháp phòng chống bệnh tằm do nấm, tiến tới hạn chế ảnh hưởng của các loại bệnh do virus.
Trong lĩnh vực nghiên cứu dệt tập trung nghiên cứu công nghệ in nhuộm và hoàn tất sản phẩm, chú trọng công nghệ nhuộm tự nhiên truyền thống, công nghệ in phun kỹ thuật số và phát triển các sản phẩm thời trang từ tơ tằm.
Bên cạnh những hướng nghiên cứu truyền thống, Trung tâm sẽ tập trung phát triển những hướng nghiên cứu mới như: thực phẩm tươi, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, nguyên liệu cho dược phẩm, hóa mỹ phẩm từ các sản phẩm của cây dâu, con tằm và tơ kén.
Từ một cơ quan nghiên cứu khoa học đơn thuần Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đang và sẽ phấn đấu vươn lên trở thành một tổ chức nghiên cứu và phát triển, góp sức trực tiếp vào quá trình phục hồi và phát triển nghề dâu tằm truyền thống. VIETSERI sẽ không chỉ là một trung tâm nghiên cứu mà còn là một trung tâm sản xuất giống, một trung tâm tơ lụa của đất nước, là chỗ dựa tin cậy của toàn thể người trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị khách quý!
Bốn mươi năm, trên hành trình công tác dài lâu của mình, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương luôn được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Trong từng bước đi lên suốt 40 năm, trong diện mạo mới đầy sức sống của Trung tâm hôm nay, có hình ảnh và dấu ấn của ngành nông nghiệp đang đổi mới. Thay mặt tập thể CBCNV, cho phép Trung tâm được gửi lời cám ơn trân thành và sâu sắc nhất đến các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt nam, Viện Nghiên cứu Rau Quả, phường Ngọc Thụy. Cám ơn vì đã tin tưởng giao cho chúng tôi trọng trách này. Dẫu cho nghề dâu tằm của chúng ta vẫn còn không ít khó khăn, song CBCNV Trung tâm càng phải cố gắng để đạt được những thành tựu cao hơn, bền vững hơn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu sản xuất vì cuộc sống người trồng dâu nuôi tằm ngày càng tốt hơn, tươi đẹp hơn.
Trong ngày hội lớn, CBCNV Trung tâm xin được nói lời tri ân đến những người đi trước: PGS. Lê Văn Liêm, PGS. TS. Lê Thị Kim, TS. Phạm Văn Vượng, TS. Đặng Đình Đàn và TS. Nguyễn Thị Đảm đã lăn lộn với Trung tâm trong 40 năm gian khó. Cám ơn tất cả các đồng nghiệp hôm nay đã trở về, như trở về mái nhà thân quen ngày nào đã từng gắn bó, để chia sẻ cùng chúng tôi những buồn vui trăn trở. Năm tháng đi qua, tóc xanh ngả bạc, nhưng tình yêu nghề, tình yêu với Trung tâm vẫn cứ thế, mãi vẹn nguyên trong trái tim chúng ta.
Ngày thành lập Trung tâm đã trở thành một ngày hội lớn bởi ý nghĩa đặc biệt của nó. Việc ôn lại truyền thống là cách để nhắc nhở thế hệ hôm nay về trách nhiệm và ý thức dựng xây, vun đắp, để truyền thống được kế thừa và tiếp nối. Một trang sử mới lại được mở ra, ngày mai đang mỉm cười với chúng ta – ngày mai đem đến nhiều thời cơ và thách thức. Tin rằng, với những gì đã đạt được, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo, sự kỳ vọng của cộng đồng những người làm nghề tằm nước ta, chắc chắn Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương sẽ vươn lên và hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của mình.
Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu cùng toàn thể cán bộ công nhân viên sức khoẻ và hạnh phúc.
Xin trân trọng cám ơn!
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU DÂU TẰM TƠ TW.