VIETSERI – Sáng ngày 6/3/2020, tại TP. Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Phát triển chăn nuôi tằm bền vững
Trước những khó khăn mà ngành dâu tằm tơ đang phải đối mặt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành tổ chức Hội nghị Phát triển chăn nuôi tằm bền vững để tháo gỡ những khó khăn mà nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức trồng dâu nuôi tằm đang gặp phải. Tại hội nghị các Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, Hiệp hội Dâu Tằm Tơ Việt Nam đã tập trung, thảo luận, đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy ngành dâu tằm tơ phát triển trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị
Theo Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nghề trồng dâu nuôi tằm đã hình thành từ lâu, kết tinh văn hóa dân tộc và trở thành nghề truyền thống ở Việt Nam. Đến nay, ngành này đã phát triển mạnh và có sản lượng lớn, thuộc vào TOP 5 quốc gia sản xuất tơ tằm lớn nhất thế giới với sản lượng, giá trị ngày càng tăng cao. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang có đóng góp rất lớn hình thành một ngành mang tính công nghiệp. Kết quả nghiên cứu về đâu tằm tơ đã đạt được những thành tựu quan trọng như chủ động được giống dâu, giống tằm đa hệ, tằm sắn và một phần giống tằm lưỡng hệ. Các tiến bộ kỹ thuật nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm lớn trên nền nhà đã góp phần thay đổi bộ mặt nghề tằm nước ta. Về tổ chức sản xuất đã cơ cấu lại ngành, đã có Hiệp hội Dâu tằm tơ. Về văn bản pháp lý, đã có luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật, trong đó có các quy định về nuôi tằm. Chiến lược phát triển chăn nuôi có nội dung về phát triển ngành dâu tằm tơ.
Hiện nay, nước ta có khoảng 32 tỉnh thành có nghề trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích ở vào khoảng 10,5 nghìn ha và trong số này, vùng Tây Nguyên chiếm đến 73%. Năng suất dâu đạt khoảng 35-40 tấn lá/ha. Sản lượng kén cả nước vào năm 2018 đạt gần 8,3 nghìn tấn và năm 2019 đạt gần 9,2 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu trên 60 triệu USD
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan ban ngành đều thống nhất rằng, ngành tơ tằm Việt Nam có lợi thế phát triển và được liệt kê vào nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, ngành đang đối mặt với một số tồn tại khó khăn như: đội ngũ nguồn nhân lực giảm, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chất lượng sản phẩm còn thiếu tính cạnh tranh, chưa truy xuất được nguồn gốc, liên kết giữa các khâu còn lỏng lẽo, giá trị gia tăng chưa cao, còn thiếu hệ thống nhân giống tằm, chưa giải quyết được nguồn cung giống tằm lưỡng hệ kén trắng.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ đạo cần thực hiện tốt các nội dung sau để ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững:
– Triển khai tốt luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 01/01/2020 và các văn bản dưới luật; Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030 tầm nhìn 2040. Trong đó cần có hệ thống quản lý xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương để nắm được thực trạng sản xuất và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh;
– Tăng cường cơ sở vật chất cho ngành dâu tằm tơ, xây dựng hệ thống giống, sản xuất theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo tính bền vững trong đó doanh nghiệp là trung tâm;
– Đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu giống tằm năng suất cao, chủ động về giống dâu, giống tằm, quy trình sản xuất, tiếp thu nhanh công nghệ tiên tiến của thế giới để nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng dâu tằm tơ Việt nam. Giao Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ TW đề xuất định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ về dâu tằm tơ;
– Tăng cường công tác khuyến nông, thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình tiêu biểu. Hiệp hội dâu tằm tơ Việt nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng thương hiệu. chỉ dẫn địa lý;
– Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm ngành dâu tằm tơ. Huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp, người dân để ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững;
– Cục Thú y, Cục Chế biến và PT thị trường nông sản, Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với các cơ quan chức năng thúc đẩy nhanh việc nhập khẩu chính ngạch giống tằm năng suất cao phục vụ kịp thời cho sản xuất, kiểm soát tốt dịch bệnh;
– Cục Chăn nuôi phối hợp với Hiệp hội Dâu tằm tơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan định kỳ tổ chức Hội nghị về Dâu tằm tơ kết hợp hội thảo tham quan thực tế.