VIETSERI – Ngày 24 tháng 12 năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, Việt Nam và Viện Nghiên cứu Dâu tằm tỉnh An Huy, Trung Quốc đã tổ chức hội nghị trực tuyến giao lưu và trao đổi giữa các chuyên gia dâu tằm hai nước Việt – Trung
Trong những năm vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã kết nối và có các hoạt động trao đổi, hợp tác về khoa học kỹ thuật nghề tằm với một số Viện nghiên cứu Dâu tằm Trung quốc. Trong đó, Viện Nghiên cứu Dâu tằm, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh An Huy, Trung Quốc là một trong những Viện có quan hệ tốt. Hai bên thường xuyên tổ chức thăm viếng, học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau
Năm 2020, do tình hình dịch Covid -19 nên các hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, hai bên tổ chức hội nghị trực tuyến này để đánh giá những hoạt động hợp tác đã triển khai thời gian qua, thảo luận và ký kết những nội dung nghiên cứu, các bước triển khai trong những năm tiếp theo.
Tham dự Hội nghị gồm có:
– Phía Việt Nam: TS. Lê Hồng Vân – Giám đốc (Chủ trì); TS. Nguyễn Thị Len- Phó giám đốc, cùng các chuyên gia: Nguyễn Thị Nhài, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Trung Kiên, Tống Thị Sen và một số cán bộ chủ chốt của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung Ương
– Phía Trung Quốc: TS. Lý Hưng – Viện trưởng (chủ trì), TS. Hoàng Đức Huy- Trưởng bộ môn Nghiên cứu chọn tạo giống tằm và các chuyên gia Tần Phong, Thạch Yến, Trương Trọng và các cán bộ chủ chốt của Viện nghiên cứu Dâu tằm, Viện Khoa học Nông nghiệp An Huy, Trung Quốc.
– Tham dự hội nghị còn có TS. Kang Pildon, chuyên gia về dâu tằm của Hàn Quốc và TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Tại Hội nghị TS. Lê Hồng Vân, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương đánh giá cao nỗ lực tổ chức Hội nghị trực tuyến của hai bên và cho rằng kết quả hợp tác giữa hai đơn vị trong thời gian qua đã để lại những dấu ấn quan trọng là tiền đề thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên sâu hơn, rộng hơn. Hy vọng các nội dung nghiên cứu hợp tác sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy ngành dâu tằm ngày càng phát triển, đem lại lợi tích cho nông dân trồng dâu nuôi tằm hai nước.
TS. Lý Hưng Viện trưởng Viện nghiên cứu dâu tằm An Huy phát biểu, đề cao việc hợp tác giữa hai đơn vị. Với phương châm hợp tác cùng có lợi, cởi mở, phát huy lợi thế và đặc điểm của từng nước, hợp tác hiệu quả và cùng phát triển. Dịch bệnh đã ngăn cản các chuyến thăm và trao đổi trực tiếp nhưng không thể ngăn cản mong muốn tăng cường họp tác giữa hai bên. Ông tin rằng, thông qua Hội nghị trực tuyến này, mối quan hệ hợp tác sẽ thúc đẩy ngành dâu tằm tơ của hai nước phát triển lên một tầm cao mới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, Việt Nam
Hội nghị đã đánh giá kết quả giao lưu hợp tác giữa hai đơn vị trong những năm qua: Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã cử 02 cán bộ sang thăm, làm việc tại Viện nghiên cứu dâu tằm, Viện khoa học nông nghiệp tỉnh An Huy. Hai cán bộ của Trung tâm đã được giao lưu về khoa học kỹ thuật nghề tằm, thăm các mô hình trồng dâu nuôi tằm tiên tiến và tiết kiệm nhân lực tại các địa phương …
Viện nghiên cứu Dâu tằm An Huy cũng đã cử 01 đoàn chuyên gia sang thăm Việt Nam, tìm hiểu thực trạng phát triển nghề tằm Việt Nam; Giao lưu, trao đổi kỹ thuật sử dụng các sản phẩm phụ nghề tằm với phía Việt Nam. Nắm bắt được sự phát triển các nghiên cứu về kinh tế xanh nghề tằm ở nước ngoài …
Trên cơ sở các chuyến thăm quan, giao lưu hợp tác, Tháng 9 năm 2019, Viên Nghiên cứu dâu tằm An Huy đã gửi 3 giống tằm lai tứ nguyên nuôi khảo nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương. Kết quả bước đầu cho thấy, tằm to, kén to và chắc, tuy nhiên giống có sức sống tằm yếu, không thích hợp nuôi trong điều kiện nóng ẩm. Các giống tằm này cần được tiếp tục khảo nghiệm trong điều kiện mát mẻ của vụ Xuân và vụ Thu.
Các đại biểu tham gia Hội nghị ở điểm cầu TP. Hợp Phì, An Huy, Trung Quốc
TS. Lý Hưng- Viện trưởng (giữa – bên trái); TS. Hoàng Đức Huy (giữa – bên phải)
TS. Tần Phong báo cáo kết quả hợp tác giữa hai đơn vị trong thời gian qua
TS. Kang Pildon, chuyên gia dâu tằm Hàn Quốc trao đổi tại Hội nghị
Sau khi trao đổi, thảo luận, hai bên nhất trí với nội dung hợp tác trong thời gian tới như sau:
(1) Trao đổi nguồn Gen là nguyên vật liệu cho chọn tạo giống tằm giữa hai bên. Thông qua hợp tác giao lưu, tiến hành thảo luận kỹ thuật chọn tạo giống tằm đa hệ có tính kháng cao để chọn tạo giống tằm kháng bệnh và giống tằm lưỡng hệ có chất lượng tơ kén cao.
(2) Thiết lập diễn đàn trao đổi về kỹ thuật, thông tin nguồn gen để hai bên cùng khai thác
(3) Triển khai phát triển sản xuất giống, căn cứ vào điều kiện khí hậu Việt Nam, thiết lập các mô hình nuôi tằm tại Việt Nam. Mô hình nuôi các giống tằm An Huy kết hợp với kỹ thuật nuôi tằm tiết kiệm nhân lực tiên tiến của Trung Quốc.
(4) Triển khai hợp tác nghiên cứu chọn tạo giống đa hệ, lưỡng hệ.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo 2 cơ quan nghiên cứu dâu tằm của hai nước đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Hội nghị đã kết thúc trong tình hữu nghị và tình đồng nghiệp nồng ấm giữa những cán bộ làm công tác khoa học trong lĩnh vực dâu tằm hai nước.