Vietseri – Ngày 25 tháng 11 năm 2016, Được sự đồng ý của Ban Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung Ương, Bộ môn Kinh tế và Chuyển giao công nghệ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Nuôi tằm con tập trung, tiềm năng và thách thức”.
Hội thảo được Bộ môn Kinh tế và chuyển giao công nghệ tổ chức nhằm thúc đẩy nuôi tằm con tập trung, góp phần phát triển nghề tằm tại Việt nam và kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ môn. Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Hồng Vân, phó Giám đốc Trung tâm nêu lên sự cần thiết của nuôi tằm con tập trung. Mục tiêu là làm thế nào để áp dụng nuôi tằm con tập trung ngày càng rộng rãi và có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đồng thời giúp cho các cán bộ đang thực hiện có hướng đi đúng hơn trong việc xây dựng mô hình tại các địa phương.
Tới dự hội thảo có: PGS.TS Hà Văn Phúc chuyên gia về dâu tằm; Ông Lê Quang Tú Giám đốc Trung tâm; Ông Nguyễn Văn Hòa nguyên chủ nhiệm HTX xã Tình Cương đại diện cho hộ nuôi tằm con tập trung ở xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; Trạm nghiên cứu Dâu tằm tơ Việt Hùng – Thái Bình, cùng các đại biểu là Trưởng, phó các Bộ môn và các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm về dự đông đủ.
Phát biểu trong lễ khai mạc, giám đốc Lê Quang Tú bày tỏ sự vui mừng với chủ đề hội thảo đang là vấn đề được nhiều người quan tâm và được sự ủng hộ rất cao của các đại biểu về dự hội thảo. Ông Lê Quang Tú nhiệt liệt chúc mừng Bộ môn Kinh tế và chuyển giao công nghệ đã có hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm ngày thành lập 10 năm của Bộ môn, chúc Bộ môn ngày càng phát triển, chung tay góp sức cùng toàn thể cán bộ nhân viên Trung tâm đưa nghề tằm nước ta ngày càng tiến lên.
Hội thảo được nghe Ths.Nguyễn Hữu Dương, nghiên cứu viên Bộ môn kinh tế và Chuyển giao công nghệ trình bày báo cáo chuyên đề: “Nghiên cứu nuôi tằm con tập trung, trường hợp tại xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ”. Nghiên cứu đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận và thực tiễn về nuôi tằm con tập trung. Đã đánh giá được thực trạng nuôi tằm con tập trung tại Tình Cương và đã tìm ra một số nguyên nhân làm cho nuôi tằm con tập trung ở Tình Cương không phát triển được là: Nhịp độ nuôi tằm chưa cao nên nhu cầu phải chuyên môn hóa sản xuất còn thấp; Các điều kiện nuôi tằm con tập trung chưa đảm bảo được nguyên tắc 3 chuyên 2 xa; Tổ chức nuôi theo nhóm không chuyên; Không vệ sinh sát trùng cẩn thận nên tỷ lệ tằm bị bệnh ngày càng cao. Đỉnh điểm là 2 lứa tằm bị thất thu trong khi tiền trứng, tiền công nuôi tằm con vẫn phải trả làm cho người nuôi tằm lớn rất chán nản và trở về tự nuôi tằm con. Người nuôi tằm con cũng không muốn nuôi do quy mô tằm con ngày càng giảm làm cho ngày công giảm xuống rất thấp. Nghiên cứu cũng chỉ ra người cung cấp trứng tằm, người thu mua kén và Hợp tác xã là những nhân tố có ảnh hưởng tới nuôi tằm con tập trung. Trên địa bàn Tình Cương những nhân tố này đều quan tâm và ủng hộ nuôi tằm con tập trung. Người thu mua kén có những chính sách thúc đẩy sản xuất nhưng không đúng cách nên hiệu quả không cao. Bên cạnh đó chất lượng trứng còn nhiều băn khoăn, tiền kén thanh toán chưa đúng hẹn làm cho người nuôi tằm chưa yên tâm về thị trường. Hợp tác xã tham gia xây dựng nuôi tằm con tập trung từ lúc ban đầu và luôn quan tâm ủng hộ nhưng thiếu cơ chế giám sát về tằm con và vệ sinh sát trùng. Nghiên cứu đã đề xuất hệ thống gồm 8 giải pháp để thúc đẩy nuôi tằm con tập trung là: (1) Tuyên truyền về lợi ích của nuôi tằm con tập trung đối với sản xuất dâu tằm; (2) Chọn vùng trồng dâu nuôi tằm có nhịp độ sản xuất cao, có nhu cầu chuyên môn hóa sản xuất để xây dựng nuôi tằm con tập trung; (3) Chọn hộ nuôi tằm con tập trung đảm bảo điều kiện nuôi tằm con theo đúng nguyên tắc “Ba chuyên, hai xa”; (4) Tổ chức nuôi tằm con tập trung theo hộ gia đình; (5) Phát huy vai trò giám sát của Hợp tác xã; (6) Xây dựng mối liên kết giữa các tác nhân. Nghiên cứu cũng đã đề xuất 7 giải pháp cụ thể cho nuôi tằm con tập trung tại Tình Cương. Nếu thực hiện tốt có thể khắc phục được tình trạng hiện nay, đưa nuôi tằm con tập trung trở lại bình thường.
Hội thảo cũng được nghe các báo cáo tham luận của các cán bộ nghiên cứu đã và đang thực hiện triển khai xây dựng mô hình nuôi tằm con tập trung tại các địa bàn Thanh Hóa, Thái Bình… Các báo cáo đưa ra những thuận lợi khó khăn tại địa phương, công tác đào tạo tập huấn tiến bộ kỹ thuật, thông tin tuyên truyền về nuôi tằm con tập trung trong thời gian qua.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hà Văn Phúc chuyên gia về lĩnh vực dâu tằm khẳng định rằng: Nội dung của Hội thảo mang tính đột phá mới cho sản xuất dâu tằm. Đồng thời chuyên gia Hà Văn Phúc đã phân tích rất chi tiết cụ thể về tiềm năng và thách thức nuôi tằm con tập trung trên thế giới và ở Việt Nam, nhấn mạnh, nuôi tằm con tập trung muốn đạt hiệu quả cần phải kết hợp giữa kỹ thuật và phương thức tổ chức kinh tế hợp lý. Cán bộ thực hiện cần phải làm cho người dân thấy được hiệu quả của việc áp dụng nuôi tằm con tập trung. Thực hiện triệt để công tác vệ sinh sát trùng phòng dịch bệnh. Đây là vấn đề quan trọng nhất quyết định sự thành công của nuôi tằm con tập trung trong thực tiễn.
Hội thảo cũng được nghe ý kiến của ông Nguyễn Văn Hòa nguyên chủ nhiệm HTX Tình Cương đại diện hộ nuôi tằm con tập trung với nguyện vọng được sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung tâm để nuôi tằm con tập trung tại Tinh Cương được trở lại bình thường.