VIETSERI – Hội thảo khoa học về thức ăn nhân tạo cho tằm đã được tổ chức sáng nay, ngày 26/02/ 2021 tại trụ sở Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, Long Biên, Hà Nội
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu thức ăn nhân tạo cho tằm từ các nước có nghề trồng dâu nuôi tằm trên thế giới. Tham dự Hội thảo có TS. Kang Pildon chuyên gia dâu tằm Hàn quốc cùng toàn thể cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương.
Nuôi tằm là ngành chăn nuôi truyền thống. Từ hàng ngàn năm nay, tằm chỉ ăn lá dâu và cũng chỉ ăn lá dâu tươi. Việc trồng dâu lấy lá nuôi tằm ở nước ta (một nước nhiệt đới) là tương đối thuận lợi, chi phí thấp. Tuy nhiên, lá dâu là sản phẩm của trồng trọt, phụ thuộc thiên nhiên, điều đó làm cho việc nuôi tằm càng trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, lá dâu thường chứa mầm của nhiều loại bệnh có thể gây hại cho tằm. Việc chuẩn hóa thức ăn cho tằm ngày càng trở nên cấp thiết nhưng việc bảo quản, chế biến lá dâu thành thức ăn cho tằm tương tự như thức ăn chăn nuôi cho các vật nuôi khác chưa thực hiện được.
Thông qua các báo cáo tham luận trình bày tại Hội thảo cho thấy; Công tác nghiên cứu về thức ăn nhân tạo cho tằm đã được các nước thực hiện từ lâu (Nhật Bản 1960, Trung Quốc 1970, Hàn Quốc 1973). Đến nay, công tác nghiên cứu thức ăn nhân tạo cho tằm đã có tiến bộ vượt bậc so với trước đây. Một số nước đã ứng dụng thức ăn nhân tạo cho tằm vào thực tế sản xuất.
Nuôi tằm bằng thức ăn nhân tạo có ưu điểm là: Tiết kiệm sức lao động; Có thể nuôi tằm quanh năm; Năng suất kén tằm ổn định dù thời tiết thay đổi và thuận lợi cho việc nuôi tằm con tập trung. Nhược điểm là chi phí tăng cao cả về chi phí thức ăn lẫn thiết bị và chi phí duy trì. Không phải giống tằm nào cũng phù hợp với nuôi bằng thức ăn nhân tạo và kỹ thuật nuôi cũng cần điều chỉnh theo đặc điểm của loại thức ăn mới này.
Các nhà khoa học trên thế giới đều tập trung chủ yếu vào việc cải tiến công thức chế biến, kỹ thuật chế biến và tạo khẩu phần ăn, kỹ thuật nuôi tằm bằng thức ăn nhân tạo, thói quen kiếm ăn khi ăn thức ăn nhân tạo, chọn tạo giống tằm ưa thích thức ăn nhân tạo, đặc điểm sinh lý và bệnh lý của tằm khi nuôi bằng thức ăn nhân tạo, v.v.
Mặc dù không ngừng cải tiến các thành phần trong thức ăn thì vấn đề về tằm phát triển kém và năng suất tơ thấp cho đến nay vẫn chưa giải quyết được. Vì vậy thức ăn nhân tạo vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Nuôi tằm bằng thức ăn nhân tạo chỉ mới áp dụng chủ yếu trong giai đoạn tằm con, từ tuổi 1 đến tuổi 3.
Thông qua đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu phát triển thức ăn nhân tạo cho tằm, các nhà khoa học nhận định Nghiên cứu chế biến thức ăn cho tằm là một công việc phức tạp đòi hỏi một quá trình nghiên cứu công phu, nhưng nếu tranh thủ được sự giúp đỡ quốc tế thì sẽ rút ngắn được thời gian. Trước mắt đề nghị nuôi thử nghiệm giống tằm của Việt Nam bằng thức ăn nhân tạo do Hàn Quốc sản xuất để đánh giá khả năng thích ứng của giống tằm nước ta đối với thức ăn nhân tạo. Về lâu dài VIETSERI cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và xây dụng các đề tài nghiên cứu thử nghiệm sản xuất thức ăn nhân tạo cho tằm.
TS. Lê Hồng Vân khai mạc hội thảo
TS. Kang Pildon chuyên gia Tổng cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc
trình bày tham luận Tình hình nghiên cứu phát triển thức ăn nhân tạo cho tằm tại Hàn Quốc
Ths. Nguyễn Khánh Ly trình bày báo cáo tham luận
tổng quan tình hình nghiên cứu thức ăn nhân tạo cho tằm