VAAS – Ngày 16/11/2021, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề: “Nông nghiệp sinh thái – Phương pháp tiếp cận chuyển đổi bền vững và tích hợp đa giá trị đối với hệ thống nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam”.
Mục tiêu của của Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về tiềm năng, giá trị của nông nghiệp sinh thái và con đường chuyển đổi sinh thái nông nghiệp, đưa ra các định hướng chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn chiến lược mới 2022 – 2025.
Tham gia hội thảo có 30 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 200 đại biểu tham dự trực tuyến là đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Đại diện một số Sở, Ban, Ngành của một số tỉnh/thành có liên quan; Đại diện các Viện, Trường, Hiệp hội, Doanh nghiệp; Đại diện các Cơ quan phát triển quốc tế, các tổ chức Phi chính phủ và một số đơn vị truyền thông.
TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế)phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế) cho rằng: “Đại dịch Covid-19 một lần nữa cho chúng ta thấy nông nghiệp giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế. Nông nghiệp không chỉ là “bệ đỡ” khi kinh tế bất ổn. Nông nghiệp còn tạo nền tảng phát triển cho công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng anh sinh xã hội, bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với bất ổn và các cú sốc. Mặc dù vậy, nông nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, vừa cấp bách, vừa chiến lược. Năng lực cạnh tranh thấp. Chi phí đầu vào cao trong khi giá bán thấp dẫn đến tỷ lệ giá trị tích lũy vô cùng nhỏ. Tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học suy kiệt. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp. Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là hậu quả của mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, thâm canh quá mức. Có thể nói, chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái gắn với tích hợp đa giá trị là một giải pháp toàn diện đối với các thách thức kể trên”. Ông Tuấn mong rằng, các đại biểu sẽ trao đổi và chia sẻ những phương phương pháp và kinh nghiệm chuyển đổi nông nghiệp sinh thái phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp góp phần xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới.
GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu chào mừng đại biểu
Hội thảo tập trung vào việc chia sẻ và trao đổi một số nội dung, bao gồm: khái niệm và triển vọng phát triển nông nghiệp sinh thái; các phương thức chuyển đổi như quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, phương pháp tiếp cận cảnh quan sinh thái, nông lâm kết hợp…; và giới thiệu Công cụ đánh giá tiến trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái do tổ chức FAO xây dựng. Các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề mang tính định hướng, chiến lược chuyển đổi nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam trong thời gian tới.
Ngài Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện tổ chức FAO cho biết: “Là một trọng tâm trí tuệ về nông nghiệp và thực phẩm của Liên hợp quốc, từ năm 2014 FAO đã đề xuất và huy động các tác nhân tham gia thực hiện chuyển đổi theo hướng nông nghiệp sinh thái. FAO cũng đã xây dựng hệ thống đánh giá thực hành nông nghiệp sinh thái. Đây là một bộ công cụ hữu hiệu đáp ứng mục đích phân tích, xây dựng và đánh giá thực hiện chính sách chuyển đổi nông nghiệp sinh thái của các hệ thống nông nghiệp ở mọi cấp độ mà Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng”.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện tổ chức FAO
Toàn cảnh Hội thảo
PGS.TS. Đào Thế Anh – PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Kết thúc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: “Chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái là một hướng đi đúng đắn để thúc đẩy phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết cần tiếp tục nâng cao nhận thức các tác nhân trong hệ thống thực phẩm và cần có các chính sách để thúc đẩy quá trình này từ cấp địa phương đến cấp quốc gia”.