Vietseri – Ngày 11/11, tại Hà Nội trong Khuôn khổ Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo Xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương mại ngành dâu tằm
Trong Khuôn khổ Chương trình Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, ngày 11/11/2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương mại ngành dâu tằm tơ”. Hội thảo có sự tham dự của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Tp. Hà Nội, các tỉnh Yên Bái, Lâm Đồng, Thái Bình; Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam; Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) tại Việt Nam; Đại diện một số doanh nghiệp, làng nghề dệt truyền thống, nghệ nhân, hợp tác xã, người dân trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa tại các tỉnh trên.
Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức
Hội thảo đã được nghe nhiều báo cáo và kiến nghị của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, các nghệ nhân. Trong hội thảo có nhiều tham luận về: Chính sách và định hướng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươn tơ dệt lụa; Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất dâu và nuôi tằm phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu; Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tơ tằm của Việt Nam…
TS Lê Hồng Vân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung Ương
trình bày tham luận tại Hội nghị
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1 triệu ha dâu, với khoảng 30 nước tham gia sản xuất dâu tằm. Theo thống kê năm 2021, cả thế giới sản xuất được 86.311 tấn tơ. Trong đó, Trung Quốc là nước sản xuất dâu tằm lớn nhất thế giới chiếm 54,1%, Ấn Độ đứng thứ 2 chiếm 40,4%, UZbekistant thứ 3 chiếm 2,4% và Việt Nam đứng thứ 4 chiếm tỷ lệ 1,2%. Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong 10 năm qua. Sản lượng tơ tăng gấp đôi, đạt 1.067 tấn, lọt TOP 4 nước sản xuất tơ lớn nhất thế giới. Cây dâu, con tằm ở Việt Nam hiện có mặt trên toàn bộ 8 vùng sinh thái. Hiện đang có sự chuyển dịch vùng sản xuất từ đồng bằng lên vùng cao như Tây Nguyên, trung du, miền núi phía Bắc. Tây Nguyên là vùng dâu tằm lớn nhất chiếm 77,08%, tiếp theo là vùng Đông Bắc chiếm 10,19%. Đồng bằng sông Hồng trước đây là vùng dâu tằm truyền thống, nay chỉ chiếm 3,73%. Mặc dù ngành sản xuất dâu tằm tơ có bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên Việt Nam chủ yếu sản xuất tơ sống nguyên liệu thô, công nghệ chế biến sau tơ còn nhiều hạn chế.
Lê Quang Tú – Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Giám đốc sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Yên Bái
Ông Trần Văn Tuận – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng
Tổng kết Hội Nghị, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, Bộ Nông nghiệp &PTNT đang triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Ngành dâu tằm tơ, với bề dày truyền thống, lịch sử và dư địa xuất khẩu, cũng thuộc nhóm được nghiên cứu. Đề nghị Hà Nội xem xét xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất dâu tằm tơ, đồng thời tạo quỹ đất cho các làng nghề, doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Đồng thời, sẽ tham mưu, xin ý kiến lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống tằm, tiến tới chủ động hơn nữa về nguôn giống. Ngoài ra, có chiến lược quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung không xen canh với các loại cây trồng khác, chủ động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về dâu tằm tơ.