Vietseri – Thực hiện chủ trương khôi phục, phát triển nghề truyền thống dâu tằm tơ lụa và thổ cẩm của UBND tỉnh Quảng Nam, theo đề nghị của của Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tăm tơ trung ương đã hỗ trợ hợp tác xã Điện Quang, huyện Điện Bàn trồng mới 03ha dâu lai GQ2
Ngày 24 tháng 4 năm 2018, đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương gồm phó giám đốc Lê Hồng Vân và bà Nguyễn Thị Min trưởng Bộ môn Cây dâu đã cùng với Công ty CP tơ lụa Quảng Nam, UBND và HTX Nông nghiệp Điện Quang đi khảo sát thực tế khu đất mà UBND xã dự kiến giao cho doanh nghiệp để nông dân trồng dâu nuôi tằm. Đây là vùng đất bãi ven sông, liền khoảnh, diện tích bỏ hoang rất lớn. Loại hình đất pha cát về cơ bản là phù hợp cho trồng dâu. Tuy nhiên, lớp cát bồi trên tầng đất canh tác khá dày 50 – 70cm. Phía địa phương cho biết có thể cho giải phóng lớp cát bồi mà không phát sinh chi phí. Vào mùa mưa lũ cũng thường xảy ra ngập nhưng nước rút nhanh, chỉ kéo dài 1 đến 2 ngày. Trước đây, vùng này đã từng trồng dâu nuôi tằm, cây dâu sinh sinh trưởng phát triển tốt. Sau khi thảo luận, các bên nhất trí với phương án Xã sẽ cho ủi toàn bộ lớp cát bề mặt, phía Trung tâm Dâu tằm tơ Trung ương hỗ trợ chi phí cây dâu giống, vật tư phân bón và cán bộ kỹ thuật, các hộ nông dân chịu trách nhiệm trồng. Thời điểm trồng thống nhất là sau ngày 10 tháng 5.
Ngày 10 tháng 5 năm 2018, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm NC Dâu tằm tơ Trung ương đã có mặt tại Điện Quang để cùng với HTX Nông nghiệp tiến hành họp dân với 12 hộ thuộc hai thôn Thạnh Mỹ và thôn Bến Đền Tây để đăng ký tham gia mô hình trồng giống dâu mới. Sau khi bàn bạc, đi đến thống nhất phương án tổ chức trồng dâu tập trung. Sau khi xã cho ủi toàn bộ diện tích lớp cát bề mặt sẽ phân lô và cho các hộ tham gia bốc thăm để chọn lô. Phía hợp tác xã sẽ hỗ trợ chi phí cày rãnh và mật độ trồng được thống nhất là 1,5m x 0,3m. Cán bộ của Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng dâu lai mới cho các hộ nông dân tham gia.
Ngày 12 tháng 5 năm 2018, Bộ môn Cây dâu đã chuyển 145.000 cây dâu giống vào tập kết tại địa phương và bảo quản tại thôn Thạnh Mỹ. Đồng thời chi phí hỗ trợ vật tư phân bón được chuyển cho Hợp tác xã Nông nghiệp. Do lớp cát trên bề mặt tương đối dày, công tác san ủi mất rất nhiều thời gian và kéo dài hơn dự kiến. Ngày 17/5 những lô đầu tiên mới chuẩn bị xong mặt bằng để tiến hành trồng. Trong quá trình trồng, các hộ nông dân được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật trực tiếp bám sát địa bàn. Đến ngày 28 tháng 5 công việc trồng dâu đã hoàn tất, diện tích dâu trồng được là 03 ha. Trước khi rời khỏi địa bàn, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã hướng dẫn đầy đủ các biện pháp bảo quản cây dâu giống cho HTX nông nghiệp Điện Quang để triển khai trồng dặm, trồng bổ sung những cây bị chết và những hộ có nhu cầu trồng thêm, trồng mới (nếu có).
Từ đó đến nay, cán bộ kỹ thuật về dâu vẫn thường xuyên liên lạc với bà con nông dân địa phương, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dâu khi cần. Để hỗ trợ việc trồng dâu trên địa bàn, Bộ môn cây dâu cũng đã tiếp tục chuyển hạt giống dâu GQ2, cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho Hợp tác xã để gieo ươm cây dâu giống phục vụ việc mở rộng diện tích tiếp theo.
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam đã có một thời hưng thịnh, tuy nhiên dần dần đi vào tàn phai, để lại những tiếc nuối rất lớn trong lòng người dân địa phương. Chủ trương khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm được nhân dân rất ủng hộ. Khi cán bộ của Trung tâm đến Điện Quang giúp trồng lại 3 ha dâu thì dân rất phấn khởi. Ông Lê Tự Quảng, một người con xứ Quảng đã viết một bài thơ tặng cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương. Ban biên tập trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
GÒ NỔI THÁNG BA
Mùa thanh minh,
Gò Nổi gặp nhau
Mưa gió nghìn năm,
chẳng đổi màu
Chừ đương mùa thả,
tằm ươm kén
Mong đến mùa sau,
dẫu giãi dầu !
Điện Quang, 9.3 âm lịch, 2018
Lê Tự Quảng
Đất bãi bỏ hoang khá rộng (Ngày 24/4/2018)
Nhiều cát bồi trên bề mặt
Công tác san ủi mất nhiều thời gian
Đất bãi đã được san ủi, sẵn sàng trồng dâu (Ngày 23/5/2018)
Cán bộ bám sát địa bàn trong suốt thời gian trồng dâu