VIETSERI – Ngành Dâu tằm tơ Việt Nam đã vượt qua được khó khăn và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là giống tằm lưỡng hệ kén trắng vẫn còn thua kém so với giống Trung Quốc về chất lượng tơ. Nhằm khắc phục yếu kém này, VIETSERI đang nỗ lực đưa ra cặp lai tằm tứ nguyên mới VH2020
Trong khuôn khổ Dự án hợp tác với Hàn Quốc thông qua chương trình Nông nghiệp quốc tế KOPIA với sự hỗ trợ của chuyên gia chọn tạo giống tằm Hàn Quốc, Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã đánh giá 12 giống tằm lưỡng hệ bố mẹ, từ đó chọn ra các giống phù hợp để lai tạo ra các cặp lai nhị nguyên và các cặp lai tứ nguyên. Sau khi so sánh đánh giá 15 cặp lai tứ nguyên đã chọn ra 04 cặp lai tứ nguyên có triển vọng để khảo nghiệm cơ bản.
Qua khảo nghiệm cơ bản cho thấy sự kết hợp giữa giống có sức sống tằm, sức sống nhộng cao với giống có chất lượng tơ kén tốt đã tạo ra con lai nhị nguyên và tứ nguyên có sức sống tằm cao và chất lượng tơ kén khá. Trong đó, chọn ra cặp lai tứ nguyên VH2020 có đặc điểm tằm nở đều, tằm to, có sức sống tằm 90,01%, năng suất kén 12,3 kg/vòng trứng (6gr), tỷ lệ lên tơ 90,83%, tiêu hao nguyên liệu <7,0 kg kén.
Nhằm đánh giá khả năng thích ứng, chất lượng tơ kén của giống tằm mới chọn tạo trong sản xuất, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung Ương đã triển khai khảo nghiệm sản xuất giống tằm mới VH2020 tại tỉnh Yên Bái, Hà Tĩnh và Lâm Đồng trong 2 năm 2021-2022.
Khảo nghiệm sản xuất tại Văn Chấn, Yên Bái 2021
Năm 2021, nuôi khảo nghiệm tại xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, các mùa vụ trong năm. Kết quả cho thấy, tằm phát dục tốt, đồng đều, năng suất kén đạt >12 kg kén/vòng trứng (6g). Cặp lai mới VH2020 được nuôi ở tất cả các mùa vụ trong năm (trừ giữa hè – do nắng nóng và đốn dâu) đều cho năng suất tương đối ổn định.
Để đánh giá về cặp lai mới, Dự án đã tổ chức Hội thảo đánh giá qua mạng (online) đối với các đại biểu ở xa (do dịch Covid-19) và trực tiếp đối với nông dân các xã thuộc huyện Văn Chấn. Hội thảo có sự tham gia của ông Đỗ Văn Hoan, đại diện Cục chăn nuôi, Bộ nông nghiệp và PTNT; ông Hyun Jong Nae, giám đốc Trung tâm KOPIA Việt Nam; Ông Lê Hồng Vân, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung Ương và các cán bộ thực hiện dự án. Phía địa phương có lãnh đạo huyện Văn Chấn, lãnh đạo xã Chấn Thịnh và bà con nông dân các xã Chấn Thịnh, Sơn Thịnh, Đồng Khê và Tân Thịnh.
Qua hội thảo, bà con nông dân trực tiếp đánh giá chất lượng kén của cặp lai VH2020 và giống Lưỡng Quảng 2 của Trung Quốc đều nhận xét, kén của cặp lai VH2020 tương đương với giống của Trung Quốc, tằm dễ nuôi, sức sống nhộng cao hơn Lưỡng Quảng 2.
Hội thảo trực tuyến đánh giá cặp lai mới VH2020, tháng 11 năm 2021
Link: https://yenbaitv,org,vn/van-chan-to-chuc-hoi-thao-danh-gia-chat-luong-giong-tam-moi-tn3-79905,media
Năm 2022, tiếp tục mở rộng khảo nghiệm cặp lai VH2020 tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương trực tiệp hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình nuôi tằm, lên né. Cán bộ của Bộ môn Tơ kén và dệt lụa trực tiếp mang thiết bị ươm tơ lên địa bàn triển khai khảo nghiệm, ươm tơ kén tươi để bà con nông dân hiểu rõ hơn về các chỉ tiêu tơ kén. Kết quả ươm tơ tại chỗ cho thấy tỷ lệ lên tơ của cặp lai VH2020 >90%, sức sống nhộng >85%, cao hơn giống Lưỡng Quảng 2.
Khảo nghiệm sản xuất tại Trấn Yên, Yên Bái 2022
Kén tằm của cặp lai mới VH2020
Khảo nghiệm sản xuất tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh 2021 – 2022
Tại Hà Tĩnh, cặp lai VH2020 cho năng suất kén thấp hơn ở Yên Bái và Lâm Đồng, do điều kiện thời tiết khá nóng. Tuy nhiên, năng suất kén tương đối ổn định, sức sống tằm khá tốt, kén nhỏ nhưng tỷ lệ lên tơ vẫn cao >90%, sức sống tằm, sức sống nhộng cao hơn giống Lưỡng Quảng 2 của Trung Quốc. Anh Nguyễn Ngọc Tấn, Giám đốc HTX trồng dâu nuôi tằm Công nghệ cao Việt Tấn đang đầu tư nâng cấp nhà nuôi tằm để đảm bảo ổn định nhiệt ẩm độ trong quá trình nuôi tằm và hy vọng những lứa tằm cuối năm 2022 sẽ cho kết quả cao hơn nữa. Theo anh Tấn, cặp lai mới VH2020 hoàn toàn có thể nuôi và đáp ứng được yêu cầu của người nuôi tằm và người ươm tơ.
Tại Lầm Đồng, cặp lai mới VH2020 đã được nuôi khảo nghiệm tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, kết quả khảo nghiệm 2 năm 2021-2022 cho thấy: Năng suất kén của VH2020 >13kg kén/vòng trứng (6g) cao nhất trong các tỉnh khảo nghiệm.
Khảo nghiệm sản xuất tại Lâm Đồng 2021
Khảo nghiệm sản xuất tại Lâm Đồng 2022
Đoàn công tác đánh giá trong quá trình khảo nghiệm tại Lâm Đồng 2022
Nhận xét về cặp lai mới VH2020, Chị Minh cơ sở nuôi tằm con xã Đambri, TP. Bảo Lộc cho biết, cặp lai VH2020, trứng nở rất tốt, tằm con nuôi đều, tằm con xuất cho bà con nuôi tằm lớn họ phản ánh cặp lai VH2020 tằm ít bị vôi,,ít mủ hơn giống tằm khác.
Chị Minh, cơ sở nuôi tằm con tại Đambri, Bảo Lộc
Anh Đức, hộ nuôi tằm lớn xã Đambri, TP. Bảo Lộc đã nuôi VH2020 từ năm 2021 – 2022 cho biết, tằm đều, ăn dâu khoẻ, chín tập trung, kén chắc. Tuy nhiên, vào mùa mưa ẩm thì năng suất kén có thấp hơn.
Anh Đức, người nuôi tằm VH2020 tại Đambri, Bảo Lộc
Ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc công ty THHH tơ tằm Nhật Minh cho biết, cặp lai VH2020 có tỷ lệ lên tơ rất cao đến 95%, tơ bền, chắc, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nếu người dân chăn tằm tốt, kỹ càng thì đây là giống phù hợp cho Việt Nam. Nếu giống này nuôi đại trà thì công ty vẫn thu mua kén như các giống khác. Cặp lai VH2020 cơ ưu điểm là tỷ lệ lên tơ rất tốt, tỷ lệ nhộng sống cao nhưng nhược điểm là con nhộng lớn nên tỷ lệ vỏ có thấp hơn so với giống ngoài sản xuất.
Ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc công ty THHH Tơ tằm Nhật Minh
Qua khảo nghiệm cặp lai mới VH2020 ở các vùng khác nhau trong hai năm qua, cho thấy có khả năng thích ứng tốt, năng suất kén và chất lượng kén tương đối ổn định. Năng suất kén >12kg kén/vòng trứng 6gr, tỷ lệ lên tơ >80%, tiêu hao nguyên liệu <7kg kén.. Cặp lai mới VH2020 được các hộ nuôi tằm con, hộ nuôi tằm lớn và cơ sở ươm tơ chấp nhận.