Vietseri – Thực hiện chủ trương phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm của tỉnh Yên Bái, Trung tâm Nghiên cứu Dâu Tăm Tơ Trung ương đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn và Công ty CP Dâu Tằm Tơ Việt Nam trồng mới 5 ha giống dâu lai GQ2 tại xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn và 5 ha tại xã Đại Phác, huyện Văn Yên.
Đầu tháng 10 năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu Dâu Tằm Tơ Trung ương nhận được đề nghị của Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn và Công ty Cổ phần Dâu Tằm Tơ Việt Nam về việc cung cấp giống dâu lai GQ2 để trồng mới tại hai huyện Văn Chấn và huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Bà Nguyễn Thị Min – Trưởng bộ môn Cây dâu đã làm việc với đại diện của hai đơn vị đề nghị nói trên. Sau khi trao đổi kỹ về địa bàn khu vực dự kiến trồng dâu, các bên nhận thấy: Tại xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, khu vực trồng dâu là vùng đất sỏi bãi ven sông, loại hình đất pha cát tương đối màu mỡ, điều kiện khí hậu mát mẻ rất thuận lợi cho việc trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, diện tích đất trồng dâu không được tập trung; Tại xã Đại Phác huyện Văn Yên, khu vực trồng dâu là vùng đất bãi ven sông Hồng, liền khoảnh, trước kia chủ yếu trồng ngô, được công ty thuê lại của người dân. Cả hai khu vực này là tương đối phù hợp để trồng giống dâu lai GQ2. Thời gian dự kiến trồng ở cả hai địa điểm vào đầu tháng 12 năm 2018, mật độ trồng 1,2 x 0,3m. Phía Trung tâm có trách nhiệm cung ứng đầy đủ giống dâu GQ2 đạt tiêu chuẩn và cán bộ kỹ thuật sẽ hỗ trợ kỹ thuật trồng trực tiếp tại hiện trường..
Tại huyện Văn Yên, ngày 1 tháng 12 năm 2018, Bộ môn Cây Dâu đã chuyển 165.000 cây dâu giống GQ2 đạt tiêu chuẩn, bàn giao cho Công ty CP Dâu Tằm Tơ Việt Nam tại địa điểm trồng dâu xã Đại Phác, huyện Văn Yên. Ngày 02 tháng 12 năm 2018, phía Công ty đã huy động 30 lao động địa phương tiến hành trồng dâu. Trước khi tiến hành trồng dâu, tại đầu bờ ruộng bà Nguyễn Thị Min – Trưởng bộ môn Cây dâu và cán bộ kỹ thuật đã trực tiếp hướng dẫn trồng dâu và trồng mẫu cho bà con dễ tiếp thu. Đến ngày 5 tháng 12 công việc trồng dâu đã hoàn tất, diện tích dâu trồng được là 05 ha. Trước khi rời khỏi địa bàn, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã hướng dẫn đầy đủ các biện pháp bảo quản cây dâu giống cho phía công ty để triển khai trồng dặm, trồng bổ sung những cây bị chết và những hộ có nhu cầu trồng thêm, trồng mới.
Tại huyện Văn Chấn, ngày 04 tháng 12 năm 2018, Bộ môn Cây dâu đã chuyển 150.000 cây dâu giống GQ2 đạt tiêu chuẩn, bàn giao cho Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn tại xã Chấn Thịnh. Ngay sau khi tiếp nhận cây dâu giống, phía Trung tâm đã chuyển giao ngay cho các hộ để trồng dâu trên địa bàn xã. Vì địa bàn triển khai không tập trung. Do đó, ngay từ đầu ông Nguyễn Tiến Lâm – Giám đốc Trung tâm dịch vụ đã huy động phần lớn lực lượng cán bộ của Trung tâm xuống địa phương để cùng cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương triển khai hướng dẫn đến từng hộ nông dân. Ngày 05 tháng 12 năm 2018, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương Lê Hồng Vân đã đến trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, cũng như trao đổi về việc hợp tác thúc đẩy phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện năm 2019. Sau 3 ngày triển khai, đến ngày 06 tháng 5 tại xã Chấn Thịnh đã triển khai trồng mới được 05ha dâu. Ngày 26 tháng 12, bộ môn Cây dâu tiếp tục chuyển 30000 cây dâu giống cho phía Trung tâm dịch vụ để triển khai trồng dặm, trồng bổ sung.
Từ đó đến nay, cán bộ kỹ thuật về dâu vẫn thường xuyên liên lạc với cán bộ kỹ thuật của công ty và trung tâm, luôn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dâu khi cần. Để hỗ trợ việc trồng dâu trên địa bàn, Bộ môn Cây dâu cũng đã tiếp tục gieo ươm cây dâu giống GQ2 để phục vụ việc mở rộng diện tích tiếp theo.
Cán bộ Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ PTNN huyện Văn Chấn